CÁC LÀN SÓNG BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI VIỆT NAM
Le Nguyen Hoang Ly
Trong trận chiến về quyền bình đẳng giữa nam và nữa, hai khái niệm “nữ quyền” và “bình đẳng giới” thường xuyên được nhắc đến. Đôi khi, hai khái niệm này được sử dụng như tư đồng nghĩa và thay thế cho nhau. Tuy nhiên, về bản chất, ranh giới giữa “nữ quyền” và bình đẳng giới” rõ ràng đến mức hai khái niệm này không bao giờ có thể thay thế cho nhau trong bất cứ bối cảnh nào. Mà cụ thể bình đẳng giới là một làn sóng mới của nữ quyền và thay thế, triệt tiêu nữ quyền.
Nữ quyền, đúng như tên gọi của mình, là chiến dịch đấu tranh vì quyền lợi của người phụ nữ do chính phụ nữ khởi xướng. Các chiến dịch nữ quyền được xây dựng với mục đích bảo vệ người phụ nữ và giúp họ được công nhận và được đối xử bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội thông qua các quyền cơ bản như: bầu cử, được làm việc, được sở hữu tài sản, được trả lương công bằng, v.v. Trong khi đó, các chiến dịch bình đẳng giới đấu tranh vì quyền con người nói chung, quyền được tự do khẳng định bản thân và được công nhận, không phân biệt nam hay nữ.
Các làn sóng đấu tranh vì nữ quyền và bình đẳng giới khởi đầu từ các quốc gia Phương Tây và dần dần du nhập vào Việt Nam. Các làn sóng đấu tranh đó phát triển dần trong xã hội và được luật hóa thành các văn bản luật mang tính quyền lực nhà nước và áp dụng chung cho toàn dân. Nhờ bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, Việt Nam đã định hướng thành công và xây dựng được hệ thống hành lang pháp lý khá hoàn thiện để từng bước thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội.
Thuở ban đầu, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chỉ tập trung bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ thông qua các quy định về đảm bảo tỷ lệ nữ giới ở các lĩnh vực chính trị, lao động, giáo dục và đào tạo. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được tận hưởng các chính sách ưu đãi do nhà nước cung cấp. Đồng thời, nhà nước cũng cung cấp các hỗ trợ cho lao động nữ ở khu vực nông thôn.[1] Bộ luật Lao động 2012 dành hẳng một chương riêng để quy định về nhũng quy định riêng đối với lao động nữ. Tuyên ngôn của các nhà nữ quyền ở giai đoạn này là “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Theo đó, để được công nhận ở giai đoạn đầu, người phụ nữ vừa phải duy trì được các vai trò sẵn có – “việc nhà” và vẫn có thể thực hiện thêm “việc nước”. Tuyên ngôn này đặt áp lực lên người phụ nữ. Đồng thời, người đàn ông ở giai đoạn này cũng bị áp đặt bởi các quan niệm truyền thống, họ buộc phải giữ các trách nhiệm đối với gia đình và xã hội vì định kiến giới. Do vậy, các chiến dịch “bình đằng giới” tạo điều kiện để mọi chủ thể trong xã hội được tự do công nhận và tự do làm điều mình muốn mà không bị phân biệt về giới tính. Nói ngắn gọn, danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” không phải và không nên là danh hiệu chỉ dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, do giai đoạn này tồn tại sự chênh lệch lớn giữa số lượng nam và nữ, việc áp dụng các biện pháp thúc đẩy vai trò của riêng người phụ nữ là cần thiết để dần đưa người phụ nữ vào xã hội, thay đổi tư duy và giảm sự chênh lệch về giưới. Do đó, các biện pháp thúc đẩy bình đằng giới này không được coi là phân biệt đối xử về giới. Khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được, việc áp dụng các biện pháp bình đẳng giới sẽ chấm dứt.
Đầu năm 2021, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực và thay thế cho Bộ luật Lao động 2012. Về vấn đề bình đẳng giới, Bộ luật Lao động 2019 không còn dành riêng chương cho lao động nữ mà bổ sung vào đó là các quy định đảm bảo bình đẳng giới. Là văn bản pháp lý tác động trực tiếp đến một số lượng chủ thể rất lớn trong xã hội – những người tham gia vào quan hệ lao động, việc Bộ luật Lao động 2019 cân bằng lại cán cân bình đẳng góp phần rất lớn trong công cuộc tìm kiếm bình đẳng giới trong xã hội.
Tuy vậy, trận chiến bình đẳng giới vẫn còn rất dai dẳng khi chưa có quan điểm nào xác định được khi nào chúng ta đạt được mục đích bình đẳng giới. Vẫn còn nhiều định kiến về phụ nữ làm lãnh đạo, đàn ông làm nội trợ. Do đó, trong thời đại hiện đại hóa, bên cạnh công cụ quyền lực nhà nước, phương tiện truyền thông và giáo dục là cần thiết để nâng cao nhận thức và đánh thức cái tôi của các chủ thể trong xã hội, nhằm từng bước xóa bỏ định kiến giới tính và dần đạt được bình đẳng giới.
[1] Luật Bình đẳng giới 2006.