Công Ty Luật Phước và Các Cộng Sự

NHỮNG LƯU Ý KHI KÝ HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC

hop-dong-dat-coc

Hợp đồng đặt cọc là gì?

Đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015. Theo Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho baên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, hợp đồng đặt cọc là một hợp đồng lập ra để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của các bên và ràng buộc các bên thực hiện một giao dịch dân sự khác có liên quan.

Những lưu ý khi ký hợp đồng đặt cọc

Chủ thể của hợp đồng đặt cọc:

Chủ thể của hợp đồng đặt cọc là bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc phải là những người có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự đầy đủ và các bên tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc, lừa dối hoặc gây hiểu nhầm để xác lập giao dịch.

Hình thức của hợp đồng đặt cọc:

Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định về hình thức của hợp đồng đặt cọc. Do đó, việc có công chứng, chứng thực hợp đồng đặt cọc hay không là do sự thỏa thuận của các bên.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đặt cọc:

Theo quy định tại Điều 38.1 Nghị định 21/2022 NĐ-CP, bên đặt cọc có quyền và nghĩa vụ như sau:

  1. Yêu cầu bên nhận đặt cọc ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản đặt cọc; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản đặt cọc không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
  2. Trao đổi, thay thế tài sản đặt cọc hoặc đưa tài sản đặt cọc tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận đặt cọc đồng ý;
  3. Thanh toán cho bên nhận đặt cọc chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc.

Chi phí hợp lý quy định tại điểm này là khoản chi thực tế cần thiết, hợp pháp tại thời điểm chi mà trong điều kiện bình thường bên nhận đặt cọc phải thanh toán để đảm bảo tài sản đặt cọc không bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

  1. Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận đặt cọc được sở hữu tài sản đặt cọc;
  2. Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Theo quy định tại Điều 38.2 Nghị định 21/2022 NĐ-CP, bên nhận đặt cọc có quyền và nghĩa vụ như sau:

  1. Yêu cầu bên đặt cọc chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản đặt cọc khi chưa có sự đồng ý của bên nhận đặt cọc;
  2. Sở hữu tài sản đặt cọc trong trường hợp bên đặt cọc vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng;
  3. Bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc;
  4. Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc khi chưa có sự đồng ý của bên đặt cọc;
  5. Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Ngoài các điều khoản cơ bản được pháp luật quy định, các bên khi thực hiện hành vi đặt cọc cần phải tham khảo các ý kiến tư vấn pháp lý từ những đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để giảm thiểu tối đa rủi ro đối với giao dịch dân sự mà mình giao kết.

Trên đây là nội dung khái quát về những lưu ý khi ký hợp đồng đặt cọc. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về việc soạn thảo hợp đồng đặt cọc, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.

Exit mobile version