Công Ty Luật Phước và Các Cộng Sự

Quy Tắc Ứng Xử Của Nghệ Sĩ – Bình Luận Về Giá Trị Áp Dụng

(Luật sư Trần Thị Kim Nga – Nguyễn Đức Huy – Công ty Luật TNHH Phước và Các Cộng sự)

 

Nghệ sĩ chính là người truyền tải vai trò to lớn của nghệ thuật đến với công chúng nhưng trong những năm gần đây, một số nghệ sĩ đã có những phát ngôn, ứng xử chưa phù hợp, thậm chí trái pháp luật, gây bất bình, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển văn hóa và xã hội. Vì lẽ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (“BVHTTDL”) đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật kèm theo Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 (“Bộ Quy Tắc”) để xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ một cách có hệ thống và khá bài bản. Tuy nhiên, giá trị áp dụng của Bộ Quy Tắc vẫn là vấn đề cần bàn thêm, và sẽ được phân tích dưới đây.

 

Có là quy phạm pháp luật?

 

Khi mới nghe đến Bộ Quy Tắc, hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và do đó, có giá trị bắt buộc những người hoạt động nghệ thuật phải triệt để thi hành. Tuy nhiên, về bản chất, Bộ Quy Tắc này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, bởi vì theo Điều 4.8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ ban hành chỉ có thể dưới dạng thông tư. Trong khi đó, Bộ Quy Tắc này được ban hành kèm theo Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng BVHTTDL và không đáp ứng quy định trên. Điều này khác biệt với một số bộ quy tắc khác là văn bản quy phạm pháp luật, chẳng hạn như Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế được ban hành theo Thông tư 07/2014/TT-BYT, Bộ nguyên tắc đạo đức hành nghề dược được ban hành theo Thông tư 08/2021/TT-BYT, Chuẩn mực đạo đức nghề kế toán, kiểm toán được ban hành theo Thông tư 70/2015/TT-BTC.

 

Khi Bộ Quy Tắc không phải là văn bản quy phạm pháp luật, các quy định trong đó sẽ không có đầy đủ thuộc tính của quy phạm pháp luật như là quy tắc xử sự chung, mang tính bắt buộc, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần, do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền ban hành, được Nhà nước đảm bảo thực hiện[1]. Như vậy, câu hỏi đặt ra là giá trị áp dụng của Bộ Quy Tắc sẽ như thế nào?

 

Trên thực tế, có một số bộ quy tắc ứng xử trong một số ngành nghề đặc thù, dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng vẫn có giá trị ràng buộc rất lớn đối người hành nghề, chẳng hạn như Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành. Các luật sư rất nghiêm túc trong việc tuân thủ bộ quy tắc này bởi vì đây là căn cứ để khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với luật sư[2] và trong trường hợp xấu nhất, việc vi phạm có thể dẫn đến việc luật sư bị xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư, đồng nghĩa với việc bị Bộ Tư pháp thu hồi thẻ luật sư[3].

 

Tuy nhiên, Bộ Quy Tắc không quy định cụ thể các chế tài xử lý vi phạm mà chỉ quy định những biện pháp mang tính khuyến nghị, đề nghị và dẫn chiếu đến các quy định khác và các cơ quan, tổ chức khác để xử lý như phân tích dưới đây.

 

Vai trò của Bộ Quy Tắc và chế tài nào cho vi phạm?

 

Có thể thấy rằng, Bộ Quy Tắc dường như là những quy định mang tính hướng dẫn, đề xuất, khuyến nghị, yêu cầu về những quy tắc mà người hoạt động nghệ thuật cần hoặc nên tiến hành, và không phải bất kỳ quy định nào tại Bộ Quy Tắc, người nghệ sĩ cũng bắt buộc phải thực hiện. Điều này cũng được phản ánh tại Điều 1 về mục đích của Bộ Quy Tắc: (i) Xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật; (ii) Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp; và (iii) Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng, phát triển văn hóa.

 

Trên cơ sở này, các quy định của Bộ Quy Tắc có thể được phân thành hai nhóm và giá trị áp dụng cũng như chế tài đối với hành vi vi phạm của từng nhóm sẽ khác nhau. Nhóm 1 là các quy tắc khái quát hóa quy định của pháp luật có liên quan. Chẳng hạn, quy tắc đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết[4], trước hết được khái quát từ quy định cấm các hoạt động nghệ thuật mà chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam, được quy định tại rất nhiều văn bản pháp luật có liên quan về nghệ thuật[5]; hay yêu cầu tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Việc vi phạm những quy định này tại Bộ Quy Tắc sẽ đồng nghĩa với việc vi phạm các quy phạm pháp luật và do đó, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Hành vi sản xuất phim có nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử; làm phương hại đến chủ quyền quốc gia; xúc phạm dân tộc; đồi trụy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và mức gấp đôi đối với tổ chức[6]. Nếu đến mức vi phạm pháp luật hình sự, tùy vào hành vi, người vi phạm có thể bị truy tố theo tội danh tương ứng, chẳng hạn, hành vi sản xuất phim có nội dung đồi trụy có thể bị truy tố về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy tại Điều 326 Bộ luật Hình sự. Khi đó, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước (“nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”[7]) mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu đó[8]. Vậy, có thể thấy, chế tài để xử lý những vi phạm nhóm 1 sẽ được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan, mà không phải tại Bộ Quy Tắc.

 

Ngược lại, nhóm 2 sẽ là các quy định mang tính “quy phạm đạo đức” hay “khuyến nghị” và không được quy định tại bất kỳ văn bản pháp luật nào về việc đây là nghĩa vụ của nghệ sĩ. Chẳng hạn, nhóm tác giả không tìm thấy bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào yêu cầu nghệ sĩ phải có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật hay lấy giá trị chân – thiện – mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật, mặc dù đây là những quy định hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Do đó, người vi phạm khó có thể bị áp đặt các chế tài như kỷ luật, xử phạt hành chính hay truy cứu hình sự như nhóm 1.

 

Thay vì quy định chế tài xử lý vi phạm, tại Điều 10 về triển khai và thực hiện, Bộ Quy Tắc chỉ quy định những biện pháp mang tính khuyến nghị, đề nghị và dẫn chiếu đến các cơ quan, tổ chức và quy định khác chẳng hạn như: (i) khuyến nghị cơ quan Nhà nước và các tổ chức khác phổ biến, triển khai thực hiện Bộ Quy Tắc và tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, phối hợp để Bộ Quy Tắc góp phần cùng các quy định của pháp luật về hoạt động nghệ thuật và pháp luật có liên quan được đảm bảo thực thi đúng, hiệu quả; (ii) yêu cầu các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật dựa trên Bộ Quy Tắc để xây dựng, hoàn thiện các quy định nội bộ và quy định hình thức khen thưởng, xử lý kỷ luật; và (iii) đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí biểu dương hay phê phán các hành vi thực hiện tốt hay vi phạm Bộ Quy Tắc, cân nhắc sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ không thực hiện nội dung Bộ Quy Tắc.

 

Khó khăn trong việc áp dụng

 

Cũng có thể nhận thấy rằng, việc áp dụng Bộ Quy Tắc trên thực tiễn sẽ gặp khó khăn vì:

 

 

 

 

Nên chăng cần luật hóa và một cơ chế mới?

 

Nghệ thuật là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều cám dỗ nhưng có ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa, xã hội. Vì vậy, cơ quan Nhà nước nên cân nhắc việc luật hóa những quy định tại Bộ Quy Tắc để trở thành một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, bởi vì như vậy mới có thể đảm bảo ở mức cao nhất giá trị áp dụng vào thực tiễn. Việc luật hóa quy định của Bộ Quy Tắc này là khả thi (tương tự các lĩnh vực y, dược, kế toán, kiểm toán) và cần thiết.

 

Bên cạnh đó, nên chăng có một cơ chế để đưa Bộ Quy Tắc này trở thành những gì phải “nằm lòng” của nghệ sĩ, chẳng hạn đưa Bộ Quy Tắc trở thành một phần nội dung trong chương trình giảng dạy, thi cử tại các ngành có liên quan đến nghệ thuật. Ngoài ra, xã hội cũng rất cần sự hỗ trợ từ những cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là truyền thông, báo chí công khai để các nghệ sĩ luôn phải thận trọng trong ứng xử của họ.

 

Không thể phủ nhận, Bộ Quy Tắc là một bước phát triển mới trong việc chuẩn hóa hành vi ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Thông qua bài viết, nhóm tác giả hy vọng sẽ mang đến một số góc nhìn về vấn đề trên, đồng thời, đóng góp một số ý kiến để các quy định này được áp dụng chặt chẽ hơn trên thực tế.

 

 

[1] Điều 3.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015

[2] Điều 2 Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ

[3] Điều 40.4(a) và Điều 31.2(a) Quyết định số 1573/QĐ-BTP

[4] Điều 4.1 Bộ Quy Tắc

[5] Chẳng hạn như Điều 11 Luật Điện ảnh; Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Điều 8 Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật; Điều 5 Nghị định 72/2016/NĐ-CP về hoạt động nhiếp ảnh

[6] Điều 5.2 và Điều 6.5(c) Nghị định 38/2021/NĐ-CP

[7] Điều 58 Luật thi đua, khen thưởng

[8] Điều 79.1 Nghị định 91/2017/NĐ-CP

Exit mobile version