Công Ty Luật Phước và Các Cộng Sự

Thu Nhập Cầu Thủ Đóng Thuế Thế Nào?

thu-nhap-cau-thu-dong-thue-the-nao

Trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây, từ khi huấn luyện viên Park Hang seo nhận lời dẫn dắt thì thành tích thi đấu của đội tuyển Việt Nam ở nhiều cấp độ tuổi khác nhau đều đạt được những kết quả thi đấu ngoài sự mong đợi của người hâm mộ và rất đáng tự hào.

Cụ thể, vào tháng 01/2018 đội tuyển U23 Việt Nam đã đoạt Á quân Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á; đến tháng 8/2018 thì đội tuyển Việt Nam vào tranh huy chương đồng tại giải ASIAD 2018; đến giải AFF Cup 2018 thì đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi vô địch; một tháng sau đó đội tuyển Việt Nam lại vào đến tứ kết giải Asian Cup 2019, rồi đến tháng 3/2019 đội tuyển Việt Nam đã đứng đầu bảng vòng loại U23 Châu Á 2020 và giành vé vào vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 01/2020 sắp tới và hơn thế nữa, tại vòng loại thứ nhất giải World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã chiếm đỉnh bảng và hy vọng lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối khu vực châu Á.

Gần đây nhất, hai huấn luyện viên Park Hang-seo và Mai Đức Chung đã đưa 2 đội tuyển U22 Nam, Nữ Việt Nam lên ngôi quán quân kép tại SEA Games 30 vào ngày 10/12/2019.

Với những thành tích thi đấu ấn tượng như vậy, ngoài tiền lương và các khoản trợ cấp lương (ví dụ như tiền nhà, tiền ăn, tiền điện thoại….) mà các cầu thủ theo nghề “quần đùi áo số” sẽ nhận được hàng tháng từ các câu lạc bộ (“CLB”) nơi họ đăng ký hành nghề (số tiền này sẽ tùy theo các giải đấu mà đội bóng CLB tham gia và vai trò của từng cầu thủ trong đội bóng) và có ký hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) với CLB, với việc tham gia đội tuyển quốc gia khi được triệu tập, họ còn nhận được thêm tiền thù lao từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).

Bên cạnh đó, các cầu thủ còn nhận được rất nhiều từ phần thưởng nóng được chia từ tiền thưởng được tặng chung cho tập thể đội bóng hay tiền thưởng nóng được tặng riêng cho cá nhân cầu thủ dưới các hình thức bằng tiền, hiện vật (chứng khoán, bất động sản, điện thoại, xe hơi, xe gắn máy, du thuyền…) và các khoản lợi ích khác (ví dụ: vé máy bay, hội phí câu lạc bộ thể dục, giải trí, suất nghỉ dưỡng…) từ các nguồn khác nhau ví dụ như từ Ban tổ chức giải đấu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Quốc gia, Liên đoàn bóng đá Việt Nam, UBND các cấp cũng như các doanh nghiệp, FIFA, Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC), tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Cũng không thể không kể đến là thu nhập từ tiền lót tay không phải ít mà các CLB mới phải trả khi muốn các cầu thủ giỏi đồng ý việc chuyển nhượng từ CLB này sang CLB khác.

Ngoài ra, các cầu thủ còn có thể được tiền thù lao khi nhận tham gia quảng cáo cho sản phẩm của các doanh nghiệp cũng như nhận được tiền thù lao từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, Youtube cho việc trang của họ có nhiều người like, nhiều lượt xem thống kê hay được tìm kiếm nhiều nhất.

Cầu thủ thuộc nhóm những người có nguồn thu nhập cao

Như vậy, với việc kiếm được nhiều thu nhập từ tiền lương, thưởng theo hợp đồng, thưởng nóng, tiền lót tay, tiền tham gia quảng cáo thương hiệu, tiền do các trang mạng xã hội chi trả như trên, có thể nói rằng các cầu thủ đội tuyển Việt Nam đã lọt vào top những cầu thủ kiếm tiền nhiều nhất hiện nay.

Hiện thời, sau các giải bóng đá lớn, những người hâm mộ bóng đá thường quan tâm là các cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ nam có thu nhập cao như vậy thì họ sẽ đăng ký, kê khai và đóng thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) như thế nào?

Để trả lời cho các câu hỏi này, cần xét xem các khoản thu nhập của cầu thủ có phải chịu thuế TNCN theo quy định hiện hành của Luật thuế TNCN hay không? nếu chịu thuế thì sẽ chịu theo biểu thuế lũy tiến từng phần (theo nguyên tắc thu nhập càng cao thì đóng thuế càng nhiều) hay là biểu thuế toàn phần (chỉ đóng một tỷ lệ phần trăm cố định trên thu nhập).

Trước hết, cần xét xem các cầu thủ sẽ được xem là cá nhân cư trú hay là cá nhân không cư trú về thuế của Việt Nam vì mỗi đối tượng sẽ có cách tính thuế khác nhau. Với giải dụ rằng trừ một ít thời gian phải đi du đấu ở nước ngoài trong các giải quốc tế, các cầu thủ hoặc là: (i) thường xuyên có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày trong một năm dương lịch hay trên 183 ngày trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt ở Việt Nam; hoặc (ii) có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm trường hợp có nơi ở thường xuyên theo pháp luật về cư trú của Việt Nam (đó sẽ là thường trú đối với cầu thủ là công dân Việt Nam hay tạm trú đối với cầu thủ có quốc tịch nước ngoài) hay có nhà thuê để ở tại Việt Nam (bao gồm nhà thuê, nhà nghỉ, khách sạn có thời hạn lưu trú tổng cộng trên 183 ngày) cho nên họ sẽ được xem là cá nhân cư trú về thuế của Việt Nam. Khi các cầu thủ được xem là cá nhân cư trú về thuế thì sẽ có hai cách tính thuế áp dụng cho họ.

Theo đó, nếu HĐLĐ của họ ký với các CLB có thời hạn từ 3 tháng trở lên thì thu nhập từ tiền lương của họ sẽ tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Nếu HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng thì sẽ chịu tính thuế theo biểu thuế toàn phần ở mức 10%. Trong thực tế, đa số các cầu thủ ký HĐLĐ với các CLB theo mùa bóng và thường là HĐLĐ có thời hạn trên 3 tháng, chỉ trừ một vài trường hợp cá biệt, khi một vài cầu thủ được các CLB cho nhau mượn trong một thời gian ngắn nào đó khi một CLB bị thiếu hụt đột xuất do các cầu thủ bị chấn thương, bệnh hay có phong độ đi xuống nghiêm trọng.

Tiếp theo, trừ một vài cầu thủ giỏi đang đá cho các CLB ở nước ngoài mà sẽ được xem là cá nhân không cư trú về thuế, giờ đây khi đã xác định đa số các cầu thủ là cá nhân cư trú về thuế của Việt Nam thì sẽ xét tiếp xem các khoản thu nhập của họ sẽ chịu thuế như thế nào.

Đối với tiền lương của họ mà được ghi trong HĐLĐ thì sẽ được xem là thu nhập từ tiền lương, tiền công và sẽ chịu thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ mức 5% đến 35%. Tiếp theo, đối với tiền nhà, điện, nước thì cần phân biệt hai trường hợp đó là: (1) CLB cấp nhà, căn hộ hay trực tiếp đứng ra thuê nhà, căn hộ cho cầu thủ; hay (2) trả tiền cho các cầu thủ rồi họ sẽ tự lo liệu chỗ ở.

Đối với trường hợp (1), nếu CLB có nhà ở tại trụ sở hay đứng tên trên hợp đồng thuê nhà và trực tiếp trả tiền cho chủ nhà thì khoản tiền thuê nhà sẽ vẫn phải chịu thuế nhưng chỉ giới hạn tối đa ở mức 15% của tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương của cầu thủ (không bao gồm tiền nhà trong tổng thu nhập chịu thuế này).

Tuy nhiên, nếu tiền nhà, điện, nước được CLB khoán và đưa tiền mặt cho cầu thủ tự lo liệu thì toàn bộ khoản trợ cấp này sẽ chịu thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần như đã nói ở trên.

Đối với các khoản trợ cấp, các bữa ăn trưa được CLB cung cấp sẽ được miễn thuế nhưng nếu cầu thủ được đưa tiền để tự lo liệu việc ăn uống thì số tiền hàng tháng được miễn thuế sẽ không được vượt quá 730.000 đồng/người/tháng theo Khoản 4, Điều 22, Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2016, số tiền vượt sẽ vẫn phải chịu tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần như trên.

Như vậy, có thể suy luận rằng đối với các khoản ăn sáng và ăn tối trong trường hợp các cầu thủ được gọi tập trung dài ngày ở CLB thì dù là cung cấp suất ăn miễn phí hay đưa tiền mặt cho các cầu thủ thì khoản này đều phải chịu thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Đối với tiền phụ cấp điện thoại, nếu cầu thủ sử dụng điện thoại phục vụ cho công việc có liên quan đến hoạt động của CLB và theo mức khoán chi được ghi cụ thể trong HĐLĐ thì sẽ không chịu tính thuế.

Đối với tiền thưởng theo điều khoản thưởng có ghi trong HĐLĐ hay phụ lục HĐLĐ thì vẫn được xem là thu nhập từ tiền lương, tiền công và cũng sẽ chịu thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Tuy nhiên, cầu thủ sẽ được quyền trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế các khoản giảm trừ theo luật định như giảm trừ cho bản thân cầu thủ 9 triệu đồng/tháng, giảm trừ đối với những người phụ thuộc như con hay cha, mẹ, vợ chồng của cầu thủ nếu thỏa mãn một số điều kiện nhất định thì nếu có đăng ký thì mỗi người phụ thuộc sẽ được giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng.

Kế tiếp, đối với các khoản tiền thưởng nóng mà các cầu thủ nhận được do thành tích thi đấu của họ tại các giải đấu trong nước và quốc tế từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Olympic Quốc gia, Liên đoàn bóng đá Việt Nam, UBND các cấp, FIFA, Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC), CLB, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì cần phân biệt hai trường hợp như sau:

Đối với các khoản thưởng từ FIFA, Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) cho các giải thưởng bóng đá được Việt Nam thừa nhận ví dụ (nếu có) thì Công văn 1324/TCT-TNCN của Tổng cục thuế ngày 16 tháng 4 năm 2018 hướng dẫn thuế cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng hướng dẫn là được miễn thuế TNCN cho cầu thủ.

Riêng đối với các khoản tiền thưởng từ CLB chủ quản cầu thủ tặng riêng cho cầu thủ thì cầu thủ nhận tiền thưởng sẽ chịu thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần vì đây là thu nhập được xem là có tính chất tiền lương, tiền công.

Đối với khoản tiền thưởng được CLB tặng cho cả tập thể đội bóng và mỗi cầu thủ được chia một phần trong số tiền đó thì cầu thủ cũng chịu thuế đối với phần tiền được chia đó theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Tuy nhiên, đối với các khoản tiền thưởng nóng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bằng tiền mặt mà không có tính chất từ tiền lương, tiền công và không đăng ký trước cho một chương trình quảng cáo, khuyến mại cho một thương hiệu, nhãn hàng nào đó có đăng ký với các sở công thương thì không phải chịu thuế TNCN.

Giá trị của các khoản tiền thưởng bằng hiện vật này được xác định cụ thể như sau:

– Đối với chứng khoán thì tính giá trị tại thời điểm đăng ký chuyển quyền sở hữu chứng khoán (dựa trên số tham chiếu trên sở giao dịch chứng khoán hay giá trị sổ sách doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán tùy theo chứng khoán được đăng ký giao dịch ở đâu);

– Đối với phần vốn góp trong các công ty trách nhiệm hữu hạn thì căn cứ vào giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đăng ký quyền sở hữu phần vốn góp;

– Đối với bất động sản là quyền sử dụng đất thì giá trị căn cứ vào bảng giá đất do UBND tỉnh quy định tại thời điểm cầu thủ làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất; đối với nhà gắn liền với quyền sử dụng đất thì dựa theo sự phân loại nhà, quy định về định mức xây dựng cơ bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giá trị còn lại của căn nhà tại thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà.

Nếu không thể xác định được giá trị theo các cách trên thì các cơ quan thuế địa phương sẽ căn cứ vào giá nhà tính lệ thuế trước bạ do UBND tỉnh quy định; đối với các loại tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu ví dụ như xe hơi, xe máy, du thuyền thì sẽ xác định giá trị dựa trên cơ sở bảng giá tính lệ phí trước bạ do UBND tỉnh quy định tại thời điểm cầu thủ làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Lưu ý là nếu đối với các quà tặng phải chịu thuế từ nước ngoài mà khi nhập khẩu cầu thủ phải trả các khoản thuế như thuế nhập khẩu, thuế GTGT và có thể cả thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một vài loại tài sản chuyên biệt nữa thì các khoản thuế này sẽ được trừ ra khi tính thu nhập chịu thuế.

Như vậy, có thể suy ra rằng đối với các loại quà tặng bằng hiện vật khác như điện thoại, tivi, thẻ hội viên các câu lạc bộ sức khỏe và giải trí, vé máy bay, học phí thì cầu thủ chưa phải chịu thuế TNCN.

Tiếp theo nữa, đối với các khoản tiền lót tay hay còn gọi là “phí ký hợp đồng” mà các CLB mới thường sẽ trả cho cầu thủ để nhận được sự đồng ý của họ đối với việc chuyển nhượng họ từ CLB cũ sang CLB mới thì thực tế trong đa số các trường hợp, số tiền này thường không được các bên công khai, không ghi vào thỏa thuận, hợp đồng bằng văn bản giữa cầu thủ và CLB mới, đưa bằng tiền mặt, CLB mới không hạch toán kế toán khoản chi này nên việc các cầu thủ có kê khai trả thuế hay không là câu hỏi để ngỏ.

Tuy nhiên, nếu được cầu thủ kê khai đầy đủ thì theo quy định của Luật thuế TNCN, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế, như vậy khoản tiền lót tay này sẽ cũng được xem là một loại thu nhập có tính chất từ tiền lương, tiền công vì giữa cầu thủ và CLB mới có giao kết HĐLĐ cho nên khoản tiền này sẽ chịu thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% đến 35% chứ không tính thuế theo biểu thuế toàn phần với mức thuế suất là 10% mà chỉ áp dụng cho trường hợp hai bên chỉ giao kết hợp đồng dịch vụ hay HĐLĐ dưới 3 tháng.

Tiếp theo, đối với các hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp và cầu thủ có nhận tiền thù lao từ các doanh nghiệp hay công ty dịch vụ quảng cáo đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam thì theo các quy định về thuế, doanh nghiệp chi trả thù lao sẽ được xem là các tổ chức được ủy nhiệm thu sẽ có nghĩa vụ khấu trừ 10% thuế TNCN trước khi trả tiền thù lao và cấp biên lai khấu trừ thuế cho các cầu thủ.

Sau cùng, theo quy định về thuế hiện hành, đối với các khoản tiền mà các mạng nước ngoài trả thù lao cho các cầu thủ thì sẽ phải chịu hai loại thuế. Theo đó, nếu cầu thủ có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp hai loại thuế đó là thuế TNCN và thuế giá trị gia tăng (“GTGT”).

Căn cứ vào biểu tỷ lệ % thuế TNCN và thuế GTGT tính trên doanh thu được xác định theo Phụ lục 1, ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/06/2015, các trường hợp trên thuộc nhóm cung cấp dịch vụ. Theo đó, ngành dịch vụ có tỷ lệ % thuế TNCN là 2% và tỷ lệ % thuế GTGT là 5%.

Theo đó, những cá nhân có nguồn thu nhập từ các mạng nước ngoài phải đóng mức thuế 7% trên thu nhập (bao gồm 2% thuế TNCN và 5% thuế GTGT). Do đa số các mạng nước ngoài này không có sự hiện diện thương mại tại Việt Nam nên chưa có mã số thuế và vì thế sẽ không thể khấu trừ thuế tại nguồn được.

Do đó, các cầu thủ phải tự giác đến bất kỳ Chi cục thuế quận, huyện nào mà cầu thủ đang cư trú hoặc tạm trú để đăng ký, kê khai, trả thuế.

Tóm lại, các quy định về thuế hiện hành của Việt Nam nói chung tương đối đầy đủ để có thể bảo đảm việc tuân thủ đăng ký, kê khai, trả thuế của các cầu thủ và khấu trừ thuế từ các tổ chức chi trả thu nhập. Chỉ riêng đối với các khoản tiền thưởng bằng tiền mặt và các lợi ích khác từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (con số này khá lớn) thì vẫn chưa chịu thuế TNCN và sẽ cần được xem xét để bổ sung vào các quy định về thuế trong thời gian sắp tới để giúp bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế của các cầu thủ có thu nhập cao so các đối tượng chịu thuế khác.

Luật sư Nguyễn Hữu PhướcCông ty Phuoc & Associates

Exit mobile version