Trong các giao dịch dân sự và thương mại, tranh chấp xảy ra khi một bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, dẫn đến việc phải chịu thiệt hại. Việc tính toán mức thiệt hại là căn cứ để bên vi phạm bồi thường thỏa đáng cho bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Tuy nhiên, bởi vì tính chất của các giao dịch ngày càng trở nên phức tạp, nên việc tính toán cụ thể, chính xác mức thiệt hại xảy ra có thể rất khó khăn. Do đó, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính như một công cụ để giúp cho bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nhận được một khoản bồi thường hợp lý cũng như rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp. Mặc dù vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa chính thức công nhận chế định trên. Bài viết này sẽ làm rõ các lý do cần công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính ở Việt Nam.
Thiệt hại ước tính là gì?
Điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính là một chế tài đòi bồi thường thiệt hại bằng tiền được ghi nhận trong cả hệ thống thông luật và dân luật. Bồi thường thiệt hại ước tính thường là một điều khoản trong hợp đồng mà trong đó các bên thỏa thuận một số tiền bồi thường thỏa đáng đối với những thiệt hại mà một bên có thể nhận được nếu bên kia vi phạm hợp đồng. Thông thường, điều khoản về bồi thường thiệt hại ước tính sẽ có thể thi hành nếu tòa án thấy rằng:
i, Khó có thể tính toán được cụ thể thiệt hại gây ra khi hợp đồng bị vi phạm để yêu cầu bồi thường; và
ii, Khoản bồi thường thiệt hại ước tính đấy phải Hợp lý và tương xứng với thiệt hại thực tế hoặc thiệt hại có thể dự đoán được.
Quy định về bồi thường thiệt hại ước tính theo pháp luật Việt Nam hiện hành
Điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính đã được thừa nhận trong các điều ước quốc tế như CISG hay Bộ nguyên tắc UNIDROIT, và một số các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, chủ thể tham gia hợp đồng có quyền áp dụng điều khoản này cho những giao dịch thỏa mãn điều kiện được quy định trong các điều ước quốc tế.
Tại Việt Nam, quy định về điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính theo thỏa thuận chưa được quy định rõ ràng trong văn bản pháp lý nào. Tuy nhiên, chế tài này cũng có thể được xem xét áp dụng thông qua các căn cứ pháp lý dưới đây:
- Đối với giao dịch dân sự: Điều 360, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Như vậy, trong các giao dịch dân sự việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại là có hiệu lực và các bên có thể ước tính trước theo giá trị của giao dịch.
- Đối với giao dịch thương mại: Điều 302, Luật Thương mại năm 2005 quy định giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Theo đó, bên bị vi phạm được bồi thường và mức bồi thường thiệt hại chỉ có thể là mức thiệt hại thực tế, trực tiếp và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng; đồng thời bên yêu cầu có nghĩa vụ phải chứng minh được tổn thất, và khoản lợi trực tiếp đó.
Như vậy, quy định về điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính ở Việt Nam chưa được đề cập và quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, có nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến thiệt hại ước tính tại toà án Việt Nam đã không được công nhận do thiếu căn cứ pháp lý.
Tại sao cần công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính ở Việt Nam?
Điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính được sử dụng rất thông dụng trong các hợp đồng thương mại quốc tế, bởi nó mang lại một số lợi ích nhất định trong giải quyết tranh chấp khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra. Vì vậy, việc công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính ở Việt Nam là cần thiết bởi những lý do dưới đây:
Thứ nhất, khi một bên vi phạm hợp đồng, trong nhiều trường hợp, bên bị thiệt hại rất khó có thể thống kê và chứng minh các thiệt hại mà mình phải gánh chịu (bao gồm doanh thu, lợi nhuận bị giảm sút, lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai mà bên bị thiệt hại có thể có được nếu hợp đồng không bị vi phạm hoặc các thiệt hại đối với các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, uy tín, danh tiếng, bí mật kinh doanh,…).
Thứ hai, bên bị thiệt hại có thể mất nhiều thời gian, và chi phí để thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho các thiệt hại.
Thứ ba, khi bên Việt Nam đàm phán hay ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, có trường hợp đối tác sẽ mong muốn thỏa thuận về điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính để khắc phục hậu quả khi có thiệt hại xảy ra. Nếu như Việt Nam không ban hành quy định cụ thể cho chế tài này sẽ dẫn đến các bất lợi cho bên Việt Nam khi tham gia đàm phán hợp đồng. Ngoài ra, trong trường hợp bên Việt Nam thiếu hiểu biết về bản chất của chế tài này, có khả năng bên đối tác sẽ đưa ra những thỏa thuận làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hơp đồng.
Cuối cùng, việc công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính làm đa dạng hơn các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hợp đồng, tạo điều kiện cho các bên trong giao dịch được tự do lựa chọn chế tài phù hợp với nhu cầu và mục đích giao dịch. Việc công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính không loại bỏ hoàn toàn những chế tài khác như bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm, mà nhằm làm đa dạng hệ thống các chế tài hiện có để tăng tính hiệu quả của việc giao kết và thực hiện hợp đồng.
Do đó, trong các hợp đồng thương mại, các bên thường thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính thông qua một số tiền bồi thường nhất định hoặc theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị hợp đồng hoặc một số công thức với các biến số được thoả thuận trước nhằm giúp các bên có một cơ chế xác định mức thiệt hại dễ dàng và không mất thời gian.
Điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính góp phần tăng cường và thúc đẩy tự do thương mại trên thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tại Việt Nam, một trong những mối quan ngại lớn nhất của cơ quan xét xử trong việc công nhận chế tài này là khả năng một bên trong hợp đồng hưởng lợi bất chính và áp đặt sự trừng phạt quá nặng nề dẫn đến không công bằng cho bên còn lại trong quan hệ hợp đồng dân sự, thương mại (vốn không đặt nặng tính trừng phạt, răn đe như trong quan hệ pháp luật hình sự hay hành chính). Tuy nhiên, Bộ quy tắc về Hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) được soạn thảo và ban hành bởi Viện Thống nhất tư pháp quốc tế (UNIDROIT) đã đưa ra hướng tiếp cận dung hòa trên cơ sở tham khảo pháp luật ở nhiều quốc gia theo cả hệ thống thông luật và dân luật. Theo đó, PICC công nhận một khoản thanh toán theo thỏa thuận trong trường hợp vi phạm hợp đồng mà không xem xét đến thiệt hại thực tế nhằm tạo điều kiện cho các bên thoả thuận bồi thường thiệt hại ước tính. Để tránh rủi ro điều khoản này bị lạm dụng trong các giao dịch thương mại, PICC đồng thời quy định mức bồi thường theo thoả thuận phải được điều chỉnh lại một cách hợp lý nếu các bên thoả thuận một giá trị “cao một cách bất thường”. Trong trường hợp này, tính hợp lý của mức bồi thường có thể được đánh giá theo cách hiểu của một người bình thường, có cùng kiến thức và nghề nghiệp trong hoàn cảnh tương tự.
Trên đây là nội dung khái quát liên quan đến Các lý do cần công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính ở Việt Nam mà Phước và Các Cộng Sự chia sẻ đến bạn đọc. Nếu Quý khách hàng gặp bất kỳ khó khăn nào liên quan đến lĩnh vực pháp lý, vui lòng liên hệ chúng tôi. Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật có đội ngũ nhân viên chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề được đánh giá đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.