-
Chế tài bồi thường thiệt hại là gì?
Chế tài bồi thường thiệt hại là một trong những phương thức bảo vệ quyền dân sự[1], cụ thể là khi quyền dân sự của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm thì cá nhân, tổ chức đó có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền áp dụng chế tài đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm, trong đó có chế tài bồi thường thiệt hại.
Chế tài bồi thường thiệt hại có tính chất dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và về tinh thần cho bên bị thiệt hại dù hành vi xâm phạm phạm luật dân sự hay hình sự, và thường được ghi nhận trong bản án dân sự, quyết định dân sự hoặc bản án hình sự.
-
Một số hành vi vi phạm pháp luật dân sự có thể sẽ bị áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại
Khi cá nhân, tổ chức bị vi phạm một số quyền dân sự như quyền của cá nhân đối với hình ảnh[2], quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín[3], quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản[4] hoặc bị vi phạm các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[5] hoặc nghĩa vụ trong trong một số hợp đồng thông dụng như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng dịch vụ[6],… và bị thiệt hại thì có thể tự yêu cầu hoặc yêu cầu Tòa án buộc cá nhân, tổ chức vi phạm chịu chế tài bồi thường thiệt hại.
Chế tài bồi thường thiệt hại còn có thể được áp dụng khi có căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong một số trường hợp[7] phổ biến như:
- Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng[8];
- Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết[9];
- Người uống rượu hoặc do dùng chất kích thích gây thiệt hại cho người khác[10];
- Nguồn nguy hiểm cao độ như phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ,… gây thiệt hại[11];
- Súc vật gây thiệt hại cho người khác[12];
- Cây cối gây thiệt hại[13];
- Nhà cửa, công trình xây dựng khác gây gây thiệt hại[14]…
-
Ý nghĩa của chế tài bồi thường thiệt hại
Trong mối quan hệ hợp đồng, đối với bên bị vi phạm hợp đồng và bị thiệt hại, chế tài bồi thường thiệt hại giúp khôi phục lợi ích vật chất, bù đắp những tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu hoặc những lợi ích mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Đối với bên vi phạm, chế tài bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt nhưng vẫn đảm bảo lợi ích chính đáng của bên vi phạm thể hiện ở các quy định về miễn giảm trách nhiệm, quy định về nghĩa vụ chứng minh và hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm.
Như vậy, áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho các bên và giáo dục, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Trên đây là nội dung khái quát về chế tài bồi thường thiệt hại. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về chế tài bồi thường thiệt hại, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.
[1] Điều 11.5, Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015.
[2] Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.
[3] Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015.
[4] Điều 164, Điều 170 Bộ luật Dân sự 2015.
[5] Điều 293 Bộ luật Dân sự 2015.
[6] Tham khảo thêm Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015.
[7] Tham khảo thêm Chương XX Bộ luật Dân sự 2015.
[8] Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015.
[9] Điều 595 Bộ luật Dân sự 2015.
[10] Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015.
[11] Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.
[12] Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.
[13] Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015.
[14] Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015.