Công Ty Luật Phước và Các Cộng Sự

“Độc quyền trọn đời đối với bài hát”, vi phạm “độc quyền bài hát” và các chế tài xử lý

(Trần Thị Băng Thanh – Phuoc & Partners)

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn tin tức nổi lên vụ việc nghệ sĩ mua “độc quyền trọn đời bài hát” từ nhạc sĩ sáng tác bài hát sau khi bài hát đó đã kết thúc hợp đồng “độc quyền” và may mắn gây được tiếng vang cũng như gắn liền tên tuổi của một ca sĩ nổi tiếng khác. Mặc dù sự việc đã từng diễn ra và không phải là mới mẻ gì trong giới showbiz nói riêng cũng như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung nhưng khái niệm về “độc quyền trọn đời bài hát” và hậu quả pháp lý nếu có ai đó vi phạm “độc quyền trọn đời bài hát” trong pháp luật vẫn chưa được đại đa số ca sĩ, nhạc sĩ, người hâm mộ hiểu rõ, từ đó mỗi khi có sự việc tương tự xảy ra, cộng đồng mạng lại bị cuốn vào vòng xoáy tranh luận gay gắt không có hồi kết.

Hiểu thế nào là “Độc quyền trọn đời đối với bài hát”?

Muốn hiểu được bản chất của “độc quyền trọn đời đối với bài hát”, chúng ta cần tìm hiểu quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 (“Luật SHTT”) về quyền sở hữu trí tuệ (“SHTT”). Theo đó, quyền SHTT được định nghĩa là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền có liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, chủ thể quyền SHTT là chủ sở hữu quyền SHTT hoặc các tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền SHTT. Trong đó, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do chính tổ chức, cá nhân sáng tạo ra hoặc sở hữu bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Như vậy, bài hát được xem là sản phẩm trí tuệ mà được tạo ra từ một nhạc sĩ nào đó, bằng chính thời gian, công sức, tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật của người đó, vì thế nhạc sĩ đó sẽ được xem là tác giả của bài hát, có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với bài hát của mình. Các quyền này sẽ do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép những người khác thực hiện theo quy định của Luật SHTT. Vì vậy, khi có một tổ chức, cá nhân nào khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền thuộc quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả mà ở đây cụ thể là nhạc sĩ. Đặc biệt là đối với quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản đối với các tác phẩm âm nhạc không khuyết danh thì có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả50 năm tiếp theo năm mà tác giả qua đời; nếu tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ sẽ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm mà đồng tác giả cuối cùng qua đời.

Từ đó có thể thấy rằng, khi một bài hát được một nhạc sĩ sáng tác thì bài hát đó đã trở thành “bài hát độc quyền”, thuộc độc quyền sở hữu và sử dụng của chính nhạc sĩ đó và chỉ có nhạc sĩ đó mới có quyền trong việc cho phép một hay nhiều người khác thực hiện các quyền tài sản đối với bài hát của mình. Trong trường hợp này, nhạc sĩ sáng tác bài hát là người trực tiếp sáng tạo, tốn thời gian, công sức, tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật của mình để sáng tạo ra bài hát, thì bên cạnh vai trò là tác giả, nhạc sĩ đó cũng chính là chủ sở hữu của quyền tác giả, được độc quyền quyền tài sản đối với bài hát suốt cuộc đời của nhạc sĩ đó và 50 năm tiếp theo năm mà nhạc sĩ đó qua đời. Những quyền trên đối với bài hát của nhạc sĩ sẽ được pháp luật SHTT bảo hộ hợp pháp kể cả khi nhạc sĩ không nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, vì quyền tác giả đã phát sinh ngay khi bài hát được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Tuy nhiên trên thực tế, để đảm bảo quyền được bảo vệ của nhạc sĩ theo quy định, nhạc sĩ có thể đăng ký quyền tác giả với Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc nhạc sĩ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi, chứng minh quyền của nhạc sĩ khi có phát sinh tranh chấp.

 “Mua bán độc quyền trọn đời bài hát” phải được hiểu như thế nào cho đúng?

“Mua bán bài hát” là cụm từ thường thấy để chỉ việc chuyển nhượng quyền tác giả đối với bài hát. Cụ thể ở đây, đó là việc chủ sở hữu của quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu, quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép những người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản cho các tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng, thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tác giả dù có muốn đi chăng nữa thì cũng không được phép chuyển nhượng các quyền nhân thân sau đây: (i) quyền đặt tên; (ii) quyền đứng tên thật hoặc bút danh; được nêu tên hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; và (iii) quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

Vì bài hát đã được công bố và các quyền nhân thân khác theo quy định là không thể được “bán” như trên, người nhạc sĩ như đã đề cập có thể đã “bán” các quyền tài sản của mình đối với bài hát và chỉ còn lại các quyền nhân thân đối với bài hát mà được pháp luật bảo hộ vô thời hạn. Từ đó, nhạc sĩ sẽ chỉ còn vai trò là tác giả đối với bài hát, còn cá nhân “mua” đã trở thành chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát đối với quyền tài sản của mình. Vì cá nhân “mua” đã “mua trọn đời” nên cá nhân đó sẽ được bảo hộ các quyền tài sản suốt cuộc đời của nhạc sĩ và 50 năm tiếp theo năm mà nhạc sĩ qua đời. Như vậy, cá nhân đó có thể tuyên bố mình đã “mua độc quyền trọn đời bài hát”. Sau khi đã hoàn thành việc “mua bán độc quyền trọn đời bài hát” với nhạc sĩ sáng tác bài hát, nếu trước đó người nhạc sĩ đó đã đăng ký quyền tác giả cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cá nhân “mua độc quyền trọn đời bài hát” sẽ phải đăng ký cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả[1]. Nếu trước đó người nhạc sĩ đó chưa đăng ký quyền tác giả, sau khi đã hoàn thành việc “mua độc quyền trọn đời bài hát”, cá nhân “mua độc quyền trọn đời bài hát” có thể đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với các quyền tài sản đối với bài hát đã được “mua”.

Các hành vi “vi phạm độc quyền bài hát” phổ biến hiện nay

Hành vi “vi phạm độc quyền bài hát” có thể hiểu chung là sự xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật, tức là việc một hay nhiều cá nhân, tổ chức không phải là tác giả, chủ sở hữu của quyền tác giả đối với bài hát, không có thẩm quyền hoặc không được cho phép mà vẫn tự ý khai thác, sử dụng ít nhất là một trong các quyền thuộc quyền tác giả trong thời gian được bảo hộ tại Việt Nam, kể cả việc sử dụng trên mạng internet nhưng hướng đến tối tượng theo dõi tại Việt Nam[2].

Trong các hành vi “vi phạm độc quyền bài hát”, hành vi phổ biến nhất đó chính là việc sử dụng tác phẩm mà không được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép, không trả tiền nhuận bút, thù lao, và các quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.

Hành vi “sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, và các quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật” trên thực tế thường là tình huống ca sĩ biểu diễn bài hát tại các buổi trình diễn, chương trình âm nhạc, cuộc thi âm nhạc mà chưa xin phép nhạc sĩ sáng tác bài hát; ca sĩ lợi dụng việc đã xin phép nhạc sĩ hoặc được “độc quyền” sử dụng bài hát với mục đích biểu diễn nhưng lại không sử dụng bài hát đúng với mục đích biểu diễn đã được cho phép và cũng không trả tiền nhuận bút cho nhạc sĩ. Bên cạnh đó, hiện nay khi mà mạng xã hội đang bùng nổ, một trong những vi phạm phổ biến nhất có liên quan đến “độc quyền bài hát” đó là hành vi biểu diễn trước công chúng bằng cách tự quay và đăng tải trên các nền tảng phát sóng như Youtube, tự phát sóng trực tiếp (“livestream”) cũng như hát các bài hát trên các trang mạng xã hội mà không được nhạc sĩ cho phép. Ngoài ra, khi livestream và hát các bài hát trên các trang mạng xã hội, nếu người biểu diễn có hành vi sửa chữa, thay lời của bài hát mà không được nhạc sĩ sáng tác bài hát cho phép, hành vi đó cũng bị xem là một hình thức của việc làm ra tác phẩm phái sinh và vi phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

Nếu sau khi nhạc sĩ sáng tác bài hát cũng chính là tác giả, chủ sở hữu của quyền tác giả đối với bài hát “bán độc quyền trọn đời bài hát” cho một nghệ sĩ, mà trước đó bài hát đã kết thúc hợp đồng “độc quyền” và gây tiếng vang cũng như gắn liền với tên tuổi của một ca sĩ nổi tiếng khác, nếu ca sĩ nổi tiếng khác đó vẫn tiếp tục sử dụng và biểu diễn bài hát đó trong các buổi biểu diễn có người xem, ca sĩ đó sẽ bị xem là đã thực hiện hành vi “vi phạm độc quyền bài hát” về quyền biểu diễn trước công chúng của nghệ sĩ đã “mua độc quyền trọn đời bài hát”.

Biện pháp bảo vệ “độc quyền bài hát”

Theo quy định của Luật SHTT, chủ sở hữu của quyền tác giả có quyền áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để bảo vệ quyền của mình chẳng hạn như: (i) sử dụng các biện pháp công nghệ để ngăn ngừa hành vi xâm phạm; (ii) yêu cầu phải chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; (iii) yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi đó; và (iv) khởi kiện người vi phạm ra Tòa án hoặc trọng tài[3]. Trên thực tế, khi chủ sở hữu của quyền tác giả biết được là có hành vi vi phạm sự “độc quyền bài hát” từ các tổ chức và cá nhân khác, trước khi tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình, chủ sở hữu của quyền tác giả nên liên hệ đến các tổ chức và các nhân vi phạm để trao đổi về các vấn đề có liên quan đến quyền SHTT vì có thể những tổ chức, cá nhân đó chưa biết là hành vi của họ là hành vi vi phạm quyền SHTT đối với bài hát theo quy định.

Chủ sở hữu của quyền tác giả đối với bài hát khi bị xâm phạm “độc quyền bài hát” cũng cần lưu ý là không nên lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền SHTT. Vì nếu lạm dụng thủ tục này mà gây ra thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác thì có thể sẽ bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho những thiệt hại do việc lạm dụng thủ tục gây ra.

Biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm “độc quyền bài hát”

Theo quy định của Luật SHTT, tổ chức hoặc cá nhân nào có hành vi xâm phạm đến quyền SHTT nói chung và quyền “độc quyền bài hát” nói riêng thì sẽ tuỳ vào tính chất và mức độ xâm phạm mà có thể bị xử lý bằng các biện pháp hành chính, hình sự, dân sự.

– Thứ nhất, về việc xử phạt hành chính theo quy định của Luật SHTT, khi có yêu cầu từ chủ thể của quyền SHTT, hoặc từ các tổ chức, cá nhân khác mà đã phát hiện hoặc bị thiệt hại do hành vi “vi phạm độc quyền bài hát” hoặc khi hành vi vi phạm bị phát hiện bởi các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, UBND các cấp, hành vi vi phạm đó sẽ bị các cơ quan này áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định. Các cá nhân, tổ chức nào có hành vi hành chính “vi phạm độc quyền bài hát” thì sẽ có thể bị xử phạt với mức tiền phạt tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng và còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả chẳng hạn như buộc phải sửa lại cho đúng họ và tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn; dỡ bỏ bản sao của tác phẩm mà vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật (“dỡ bỏ bản sao tác phẩm”); buộc hoàn trả lại cho chủ sở hữu của quyền tác giả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm đó.

Ví dụ như đối với trường hợp ca sĩ biểu diễn bài hát tại các buổi diễn, chương trình âm nhạc, cuộc thi âm nhạc mà chưa xin phép trước của nhạc sĩ sáng tác bài hát, chủ sở hữu của quyền tác giả thì ca sĩ đó có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 và phải dỡ bỏ bản sao của tác phẩm đó; nếu livestream và hát các bài hát trên các trang mạng xã hội mà cũng không có sự đồng ý từ nhạc sĩ sáng tác bài hát, chủ sở hữu quyền tác giả thì người biểu diễn hoặc ca sĩ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 và bị buộc phải dỡ bỏ bản sao của bản ghi âm, ghi hình vi phạm[4], nếu người biểu diễn hoặc ca sĩ nào mà có hành vi sửa chữa, thay lời bài hát mà không được nhạc sĩ sáng tác bài hát cho phép, hành vi vi phạm đó cũng có thể bị xem là một hình thức của việc làm tác phẩm phái sinh mà không được sự cho phép thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng[5] và nếu vi phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm mà gây ảnh hưởng thiệt hại đến danh dự và uy tín của nhạc sĩ thì cá nhân vi phạm đó có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng[6].

– Thứ hai, về trách nhiệm hình sự đối với hành vi “vi phạm độc quyền bài hát” theo quy định của Bộ luật Hình sự, khi hành vi vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm, cá nhân nào thực hiện hành vi vi phạm đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (“Bộ luật Hình sự”), nếu một cá nhân không được phép của chủ thể quyền tác giả mà lại cố ý sao chép tác phẩm hoặc phân phối đến công chúng bản sao của tác phẩm xâm phạm đến quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 thì được xem là phạm vào tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, còn pháp nhân nào mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi phạm tội được nêu ở trên hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng. Nếu có một trong các tình tiết tăng nặng thì cá nhân đó sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, còn đối với pháp nhân thì sẽ phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động với thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm. Ngoài ra, cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc từ 01 năm đến 05 năm và đối với pháp nhân thương mại thì còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

– Thứ ba, khi có hành vi “vi phạm độc quyền bài hát”, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự thì khi có yêu cầu của chủ thể quyền SHTT hoặc của các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, Tòa án có thẩm quyền vẫn có quyền áp dụng các biện pháp dân sự chẳng hạn như: (i) buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm; (ii) buộc xin lỗi, cải chính công khai; (iii) buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; (iv) buộc bồi thường thiệt hại; (v) buộc tiêu huỷ; (vi) buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại, không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền SHTT.

KẾT LUẬN

“Độc quyền trọn đời đối với bài hát” là quyền sở hữu, sử dụng và quyền cho phép người khác thực hiện các quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu của quyền tác giả đối với bài hát do chính mình sáng tạo ra. Nếu có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thực hiện hành vi “vi phạm độc quyền bài hát” thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời còn có thể bị áp dụng các biện pháp dân sự khi có yêu cầu từ các cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền hoặc bị thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Vì vậy, để không rơi vào tình huống “vi phạm độc quyền bài hát”, các cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng bài hát để làm tác phẩm phái sinh hay biểu diễn tác phẩm trước công chúng hay sao chép tác phẩm, thì cần phải xin phép bằng văn bản từ tác giả, chủ sở hữu của quyền tác giả đối với bài hát đó, phải có hợp đồng bằng văn bản và trả nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu của quyền tác giả theo quy định. Bên cạnh đó, tác giả, chủ sở hữu của quyền tác giả cũng nên có ý thức hơn trong việc bảo vệ quyền tác giả của mình và tiến hành đăng ký quyền tác giả tại cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhằm tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi, chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra.

[1] Khoản 4 Điều 35 Nghị định Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

[2] Xem thêm các quy định cụ thể về các hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

[3] Tham khảo thêm Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung bởi Khoản 10 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019, khoản 2, 3 Điều 21, Chương 3 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.

[4] Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.

[5] Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.

[6] Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP.

Exit mobile version