Công Ty Luật Phước và Các Cộng Sự

Làm Việc Bán Thời Gian Có Cần Ký Hợp Đồng Lao Động Hay Không?

lamviecbanthoigian

Ngày nay, làm việc bán thời gian (hay còn gọi là làm việc part-time) đang trở thành xu hướng và gần như là một công việc tất yếu trong cuộc sống của nhiều người trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z. Tuy nhiên, sự xuất hiện của làm việc tự do (hay còn gọi là freelancer) đã khiến cho nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm làm việc bán thời gian và làm việc tự do. Điểm khác nhau cơ bản nhất giữa hai loại hình này chính là thời gian bắt buộc để thực hiện mỗi công việc, dự án. Đối với việc làm bán thời gian, doanh nghiệp (“DN”) có thể chỉ thuê 4 tiếng/ngày cho vị trí của một việc làm bán thời gian thì người làm công việc này cũng chỉ cần làm việc 4 tiếng và nhận tiền công trên cơ sở thời gian làm việc này. Ngược lại, đối với làm việc tự do, thông thường công ty sẽ giao một dự án, công việc tương ứng với thời hạn thực hiện dự án, công việc đó, như vậy sẽ không có giới hạn thời giờ làm việc là bao nhiêu, miễn sao người được giao việc hoàn thành công việc đúng hạn, do đó, người làm việc tự do có thể nhận được nhiều công việc trong cùng một quỹ thời gian của mình. Hiện nay, rất nhiều người lao động (“NLĐ”), đặc biệt những người làm các công việc có tính linh hoạt về thời gian hay có thể làm việc từ xa, ngoài hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) chính được ký với một người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) nào đó, họ còn gia tăng nguồn thu nhập bằng các công việc, dự án có liên quan đến ngành nghề, kiến thức chuyên môn, hoặc thậm chí là không liên quan đến ngành nghề chính của họ ngoài thời giờ làm việc. Vì vậy, dễ thấy nhu cầu làm việc bán thời gian có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Theo quy luật cung – cầu, số lượng công việc bán thời gian cũng ngày càng tăng thêm. Điển hình như các công việc tại nhà hàng, thay vì phải tuyển và đào tạo một đội ngũ chuyên nghiệp trong việc phục vụ, chuẩn bị tiệc cưới, các nhà hàng thường tuyển những bạn học sinh/sinh viên vào vị trí phục vụ cho bữa tiệc từ 05 đến 06 tiếng và trả tiền công cho họ. Điều này giúp những người làm công việc bán thời gian có thể làm cho nhiều nhà hàng khác nhau trong một tuần và linh động sắp xếp thời gian làm việc của mình. Tuy nhiên, việc làm này thường là ngắn hạn và theo mùa nên các nhà hàng chỉ cử người thỏa thuận bằng lời nói với người làm việc bán thời gian. Thực tế, nhiều trường hợp học sinh/sinh viên đã thỏa thuận với người quản lý bữa tiệc – đại diện cho nhà hàng về thời gian làm việc và số tiền mà sẽ nhận được sau khi kết thúc bữa tiệc nhưng sau khi hoàn thành công việc họ lại không được thanh toán tiền công. Trong những trường hợp như vậy, đa phần họ đều im lặng chịu đựng và cho qua, do hầu hết NLĐ đều không hiểu rõ công việc của mình được pháp luật điều chỉnh ra sao, quyền lợi của bản thân là gì khi làm những công việc đó.

Làm việc bán thời gian có cần ký HĐLĐ không?

Phải thừa nhận rằng công việc bán thời gian mang lại nhiều lợi ích về kinh tế lẫn kinh nghiệm thực tiễn, quan hệ hợp tác,…cho mỗi người. Tuy nhiên, liệu có phải mỗi người đều nắm được những vấn đề pháp lý có liên quan đến công việc bán thời gian để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình?

Thực tế cho thấy, nhiều người trẻ làm việc bán thời gian nhưng không thực sự quan tâm đến quyền lợi của bản thân trừ tiền công, tiền lương, thậm chí nhiều người làm bán thời gian nhưng không được giao kết HĐLĐ. Vậy, mối quan tâm ở đây là liệu khi làm việc bán thời gian NLĐ có cần giao kết HĐLĐ không, và pháp luật về lao động điều chỉnh vấn đề này như thế nào?

Mặc dù pháp luật lao động chưa đưa ra một định nghĩa cụ thể cho việc làm việc bán thời gian nhưng xét về câu chữ cũng như phân tích đúng bản chất công việc của việc làm bán thời gian thì có thể hiểu đây là hình thức làm việc không trọn thời gian. Theo Điều 32.1 Bộ luật Lao động (“BLLĐ”), “người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động”; từ đó có thể thấy, việc NLĐ có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày, tuần, hoặc tháng tương thích với bản chất của công việc bán thời gian.

Bên cạnh đó, một vấn đề hiện cần quan tâm đó là loại HĐLĐ sẽ được ký kết. Theo quy định của pháp luật về lao động hiện có 2 loại HĐLĐ[1]: (i) HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực; (ii) HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng không quá 36 tháng từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Và hiện nay cũng không có bất kỳ quy định nào ràng buộc người làm công việc bán thời gian phải ký loại hợp đồng nào. Do vậy, tùy theo tính chất công việc cũng như thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ có thể lựa chọn một trong hai loại HĐLĐ nêu trên. Cần lưu ý thêm, nếu NLĐ chỉ thực hiện công việc dưới một tháng thì các bên hoàn toàn có thể giao kết HĐLĐ xác định thời hạn dưới một tháng thông qua lời nói[2], trừ một số trường hợp cá biệt theo quy định của pháp luật về lao động như giao kết HĐLĐ với người dưới 15 tuổi,…

Việc xác định đúng bản chất công việc rất quan trọng, bởi lẽ, người làm việc tự do thường giao kết hợp đồng dịch vụ (hay hợp đồng cộng tác viên) bằng văn bản (nếu là công việc có tính chất chuyên nghiệp cao) hoặc bằng lời nói hoặc dữ liệu điện tử. Do đó, quyền và nghĩa vụ chính trong quan hệ giữa các bên được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và giữa họ không phát sinh quan hệ lao động. Còn đối với công việc bán thời gian, NSDLĐ phải giao kết HĐLĐ với NLĐ trong mọi hoàn cảnh.

Quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ lao động làm việc bán thời gian

Với bản chất là quan hệ lao động và được ràng buộc bởi pháp luật về lao động, sẽ không có sự phân biệt giữa lao động bán thời gian và toàn thời gian, cũng theo Điều 32 BLLĐ, NLĐ làm việc bán thời gian vẫn được hưởng các chế độ như những NLĐ khác trong mối quan hệ lao động, bao gồm: được hưởng lương, bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ, bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Về nguyên tắc cũng như đã đề cập ở trên, NLĐ làm việc bán thời gian vẫn được hưởng các quyền như đối với NLĐ làm việc trọn thời gian, trong đó bao gồm vấn đề bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, một trong những điều kiện cần để NLĐ đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội là họ phải là người làm việc theo HĐLĐ từ đủ 01 tháng[3]. Thêm nữa, nếu thời gian không làm việc và không hưởng lương trên 14 ngày/tháng thì cũng không đủ điều kiện được đóng bảo hiểm tháng đó[4].

Thực tiễn hiện nay cho thấy, nhiều công việc mang tên là công việc bán thời gian (NLĐ được trả lương theo số giờ làm việc xác định nào đó) nhưng họ vẫn phải bỏ ra nhiều hơn số giờ được trả công để hoàn thành công việc/dự án, tức mang tên là thực hiện công việc bán thời gian nhưng lại thực hiện công việc như một công việc tự do. Vì pháp luật hiện hành chưa có quy định nào điều chỉnh vấn đề này nên NLĐ chỉ có thể nâng cao hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong quá trình thương lượng với NSDLĐ. Bên cạnh đó, thông thường hiện có nhiều công việc bán thời gian được thực hiện từ xa, do đó, NSDLĐ khó có thể kiểm soát hiệu suất làm việc của NLĐ để có sự tính toán hợp lý cho việc chi trả lương đối với số giờ định lượng ngay từ khi giao kết hợp đồng. Dù thế nào đi chăng nữa, pháp luật luôn có khuynh hướng bảo vệ NLĐ hơn, vì thế, DN vẫn nên tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, đảm bảo thời giờ làm việc như thỏa thuận, không ép NLĐ hoàn thành công việc vượt ngoài thời giờ làm việc trừ khi có thể chứng minh được hiệu suất làm việc của NLĐ là thấp, tránh trường hợp NLĐ dựa vào đó để khởi kiện NSDLĐ tại Tòa án.

Rủi ro cho Doanh Nghiệp trong trường hợp không ký kết HĐLĐ

Hiện nay, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính, nếu DN sử dụng NLĐ có công việc trên một tháng mà không giao kết HĐLĐ bằng văn bản thì sẽ chịu phạt từ 4.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng[5]. Bên cạnh đó, NLĐ cũng hoàn toàn có quyền khởi kiện Doanh Nghiệp vì đã vi phạm nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động, dẫn đến việc tranh chấp kéo dài, tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của DN.

Trên đây là những vấn đề có liên quan đến việc giao kết hợp đồng HĐLĐ đối với những đối tượng làm việc bán thời gian mà DN cần lưu ý khi sử dụng lao động cũng như NLĐ cần nắm các điểm pháp lý quan trọng này để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho bản thân khi tham gia thị trường lao động.

[1] Điều 20.1 BLLĐ

[2] Điều 14.2 BLLĐ

[3] Điều 2.1 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

[4] Điều 85.3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

[5] Điều 6.1 và 9.1 Nghị định 12/2022/NĐ-CP

Exit mobile version