Nhu cầu về làm việc bán thời gian hay “part-time” của người lao động (“NLĐ”) luôn ở mức cao. Đặc biệt đối với học sinh và sinh viên, đây là đối tượng có nhu cầu tìm kiếm những công việc bán thời gian trong khoảng thời gian sau giờ học để trang trải chi phí sinh hoạt bản thân, phụ giúp gia đình hoặc đang trong quá trình định hình sự nghiệp tương lai. Bên canh đó, còn có đối tượng là người có quỹ thời gian nhàn rỗi và có xu hướng tìm kiếm công việc bán thời gian để gia tăng thu nhập. Vậy khi làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp thì NLĐ cần lưu ý những vấn đề pháp lý gì?
Quy định pháp luật về làm việc bán thời gian
Đầu tiên, cần làm rõ định nghĩa về làm việc bán thời gian. Công việc bán thời gian thường được tổ chức theo giờ hoặc theo ca, tùy quy định của mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể quy định thời gian làm việc của một ca từ 4-5 giờ/ca/ngày, ít hơn thời gian làm việc thông thường. Xét trên góc độ pháp lý, làm việc bán thời gian là một hình thức làm việc không trọn thời gian, và người làm công việc bán thời gian được xác định là NLĐ làm việc không trọn thời gian theo Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ”).
Những điều NLĐ cần lưu ý khi làm việc bán thời gian
Tìm kiếm công việc phù hợp
Trên thị trường lao động hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp lo ngại chi phí vận hành, trong đó có chi phí nhân sự tăng cao làm giảm lợi nhuận của họ. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp tìm kiếm NLĐ làm các công việc bán thời gian theo ca, theo giờ nhằm giúp giảm thiểu chi phí nhân sự của họ. Vì vậy, NLĐ có nhiều lựa chọn về hình thức làm việc vì sự tiện lợi của việc linh động thời gian làm việc để phù hợp với thời gian học tập của họ hoặc để họ có thể làm những công việc khác để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, NLĐ cần lưu ý chọn một công việc nào đó phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình. Ngoài ra, NLĐ cần tìm hiểu về doanh nghiệp mà mình muốn làm việc để nghiên cứu về phạm vi công việc và văn hóa doanh nghiệp để xác định liệu doanh nghiệp đó có phải là lựa chọn phù hợp cho mình hay không.
Thỏa thuận hợp đồng lao động (“HĐLĐ”), quyền và lợi ích của NLĐ làm việc bán thời gian
Như đã đề cập, làm việc bán thời gian là một hình thức làm việc không trọn thời gian được quy định trong BLLĐ. Do đó, làm việc bán thời gian cũng là một hình thức của quan hệ lao động, phát sinh từ thỏa thuận của mỗi bên và được pháp luật về lao động điều chỉnh. Khi làm việc bán thời gian, NLĐ cần lưu ý đến vấn đề giao kết HĐLĐ với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật về lao động.
Về nguyên tắc, khi tuyển dụng NLĐ làm việc, doanh nghiệp và NLĐ phải giao kết HĐLĐ. Trong trường hợp này, NLĐ và doanh nghiệp cần xác định rõ thời gian làm việc theo hình thức không trọn thời gian cũng như mức lương tương ứng với từng loại công việc. Theo quy định của BLLĐ hiện hành, HĐLĐ phải bằng văn bản và được lập thành 02 bản và mỗi bên giữ 01 bản. Nếu hai bên trao đổi và giao kết HĐLĐ thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu qua hình thức email hay giao dịch điện tử thì cũng có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản. Tuy nhiên, đối với công việc có thời hạn dưới 01 tháng thì HĐLĐ có thể được giao kết bằng lời nói[1].Tùy vào tính chất công việc và điều kiện làm việc, các bên sẽ thống nhất loại HĐLĐ cần ký kết. Nếu không tuân thủ những quy định trên thì DN có thể bị phạt hành chính theo quy định của pháp luật[2].
Thời giờ làm việc
Vì được pháp luật về lao động điều chỉnh nên thời gian NLĐ làm việc bán thời gian cũng sẽ tuân theo quy định của pháp luật lao động. Trên thực tế, tuy nói rằng làm việc bán thời gian, có nhiều doanh nghiệp vẫn yêu cầu NLĐ phải làm 2 ca trên một ngày, và tổng thời gian làm việc của hai ca có thể vượt thời gian làm việc tối đa được phép trong một ngày được quy định trong pháp luật lao động. Trừ trường hợp doanh nghiệp tính thời giờ làm việc theo tuần, thì việc làm việc quá thời gian cho phép trong một ngày như vậy là không đúng với quy định của pháp luật, nhưng các doanh nghiệp vẫn bất chấp cứ để cho NLĐ làm vì lý do lợi nhuận.
Một ví dụ điển hình về địa điểm làm việc bán thời gian phố biến và thu hút sự chú ý của các bạn trẻ hiện nay đó là làm việc trong chuỗi cửa hàng tiện lợi. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi tuyển dụng nhân viên làm việc theo ca khoảng 4-6 giờ/ngày vào ban ngày và ca đêm (8 giờ/đêm)[3]. Theo quy định của pháp luật lao động về làm việc vào ban đêm, thời giờ làm việc vào ban đêm được tính từ 22h-6h sáng của ngày hôm sau[4]. Tuy nhiên, thời giờ làm việc ca đêm được quy định là 8 giờ/đêm, bằng với thời giờ làm việc của NLĐ làm việc trọn thời gian ban đêm, nhưng NLĐ vẫn được trả mức lương tính theo giờ làm việc bán thời gian (thêm 30% vào ca đêm)[5]. Điều này dẫn tới việc các chuỗi cửa hàng tiện lợi dễ vi phạm pháp luật về lao động khi bố trí ca làm việc vào ban đêm cho NLĐ nhưng không trả đủ lương làm thêm giờ.
Mức lương
NLĐ và doanh nghiệp thỏa thuận về mức lương và thời hạn trả lương cho công việc bán thời gian trong HĐLĐ; có thể thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, ca, tuần làm việc hoặc trả lương theo tháng. Hiện chưa có quy định về mức lương tối thiểu cho NLĐ làm việc bán thời gian, theo mặt bằng chung hiện nay, mức lương sẽ dao động từ 16.000-20.000 đồng/giờ[6]. Nếu NLĐ làm ít đi, đồng nghĩa với mức lương nhận được có thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Theo quy định của BLLĐ 2019, mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng[7] nhưng hiện tại vẫn chưa có quy định cụ về việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian. Nếu hiểu theo quy định của pháp luật lao động hiện hành về quyền bình đẳng của NLĐ làm việc không trọn thời gian trong việc hưởng lương[8] thì mức lương tối thiểu vùng cũng phải được áp dụng cho đối tượng NLĐ này. Do đó, việc NLĐ làm việc bán thời gian nhận lương thấp hơn lương tối thiểu vùng có thể được xem là trái với quy định của pháp luật.
Chế độ bảo hiểm xã hội
Như đã phân tích ở trên, làm việc bán thời gian là một hình thức của quan hệ lao động và có giao kết HĐLĐ. Việc giao kết HĐLĐ là cơ sở để xác định nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội (“BHXH”) bắt buộc của NLĐ. Những NLĐ ký kết HĐLĐ theo một trong ba loại HĐLĐ quy định trong BLLĐ và NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH[9].
NLĐ làm việc bán thời gian vẫn phải tham gia BHXH theo quy định. Do thời gian làm việc bán thời gian không giống như NLĐ làm việc toàn thời gian, nếu tổng thời gian NLĐ không làm việc và không hưởng lương trong tháng từ 14 ngày trở lên, theo quy định của pháp luật, thì NLĐ không phải đóng BHXH của tháng đó[10]. Do đó, các doanh nghiệp tuyển dụng NLĐ làm việc bán thời gian thường rất nhập nhằng trong việc đóng BHXH cho các đối tượng NLĐ này thậm chí là không đóng, trốn đóng để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.
Kết luận
NLĐ làm việc bán thời gian được hưởng lương, có quyền bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ với doanh nghiệp như NLĐ làm việc trọn thời gian. Như vậy, dù làm việc theo hình thức bán thời gian hay toàn thời gian thì doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Khi xã hội ngày càng phát triển và thị trường lao động có những thay đổi mới sau thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, NLĐ có xu hướng làm các công việc bán thời gian, làm việc trực tuyến và làm việc cho nhiều doanh nghiệp khác nhau để tăng thu nhập. Do đó, khi làm việc cho doanh nghiệp dưới hình thức làm việc bán thời gian, NLĐ nên lưu tâm đến các vấn đề về quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật lao động có được đảm bảo hay không để tránh thiệt thòi về lợi ích lao động.
[1] Điều 14.2 BLLĐ 2019
[2] Điều 9, Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
[3] Tuyển dụng Family Mart – https://www.famima.vn/vi-tri/nhan-vien-ban-hang-ban-thoi-gian-ca-dem-22h-6h/
[4] Điều 106 BLLĐ 2019
[5] Điều 98 BLLĐ 2019
[6] Hướng dẫn một vài cách tính lương nhân viên part-time hiện nay – https://timviec365.vn/blog/cach-tinh-luong-nhan-vien-part-time-new15255.html
[7] Điều 90.2 BLLĐ 2019
[8] Điều 32.3 BLLĐ 2019
[9] Điều 2.1 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
[10] Điều 85.3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014