Luật sư Nguyễn Hữu Phước – Lý Ngọc Huỳnh Nhi (Công ty Luật Phuoc & Partners)
Ngày 4/5 vừa qua, dư luận đã có dịp xôn xao về thông tin bất ngờ của vụ việc ly hôn giữa người sáng lập Microsoft đó là tỷ phú Bill Gates và vợ là Melina French Gates. Thu hút sự quan tâm nhiều nhất chính là vấn đề tài chính có liên quan đến Quỹ Bill và Melinda Gates, có trụ sở tại Seattle, Washington. Quỹ Bill và Melinda Gates có thể nói là tổ chức từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới do Bill và Melinda là đồng chủ tịch và sáng lập vào năm 2000. Năm 2019, tài sản ròng của Quỹ này ước tính đã lên đến 43,3 tỷ USD. Trong năm 2020, Quỹ này đã dành khoảng 1,75 tỷ USD để ủng hộ cho việc ứng phó đại dịch toàn cầu. Trước đó, không thể không nhắc đến vụ ly hôn “đắt giá” giữa ông chủ của tập đoàn Amazon là Jeff Bezos và vợ cũ MacKenzie Scott. Thỏa thuận ly hôn đã được hai bên dàn xếp, theo đó MacKenzie đã nhận được 25% của tổng khối tài sản chung, tương ứng với 4% cổ phiếu của tập đoàn Amazon, ước tính trị giá khoảng 35 tỷ USD tại thời điểm đó.
Yêu đương là chuyện của hai người, nhưng hôn nhân lại là vấn đề không chỉ liên quan đến hai người trong cuộc, những người trong gia đình, một nhóm người nào đó bên ngoài, mà còn có thể đến một hay nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hay thậm chí còn đến cả một cộng đồng nào đó trong xã hội, đặc biệt là đối với những người của công chúng, doanh nhân có tài sản lớn. Cuộc sống thì lúc nào cũng phải có lúc thăng lúc trầm, nhưng khi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt nữa, quan điểm sống không còn đồng điệu, ngoại tình… thì ly hôn thường là giải pháp sau cùng được các cặp vợ chồng tìm đến như là cứu cánh để cho nhau một cơ hội thứ hai trong phần đời còn lại của mình. Tuy nhiên, qua các vụ ly hôn đình đám nói trên, có thể nhận thấy rằng việc ly hôn không chỉ còn là chuyện đời tư một cá nhân, mà có thể là một sự kiện quan trọng làm phát sinh rất nhiều vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của một hay nhiều doanh nghiệp, tổ chức mà một trong hai vợ chồng đang có quyền và lợi ích trong đó. Nhất là khi một hay cả các bên vợ chồng trong vụ án ly hôn lại đóng vai trò là những người quản lý, điều hành quan trọng và thường là người đang nắm giữ phần vốn góp, số cổ phần mang tính quyết định trong doanh nghiệp, tổ chức đó.
Cùng với dòng chảy sự kiện đó, trong bài viết này, chúng ta hãy thử nhìn lại vấn đề ly hôn từ một góc nhìn hẹp hơn đó chính là: Góc độ tài sản của người quản lý, điều hành, sở hữu doanh nghiệp trong vụ án ly hôn. Hiện nay, nguyên tắc phân chia tài sản theo sự thỏa thuận giữa hai bên vợ chồng đã được pháp luật Việt Nam công nhận, tôn trọng và cho ưu tiên thực hiện[1]. Theo đó, trong đa số các trường hợp, hai bên vợ chồng đều có quyền tự thỏa thuận với nhau về mọi vấn đề có liên quan đến tài sản chung của họ kể cả đối với tỷ lệ sở hữu, cách thức phân chia tài sản và các vấn đề khác có liên quan. Chỉ trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận được với nhau về việc phân chia thì lúc đó mới yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết phân chia tài sản khi ly hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Theo đó, trong trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, thì tài sản riêng của bên nào thì sẽ vẫn thuộc về của bên đó (nếu có), còn đối với các tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết theo nguyên tắc chung đó là chia đôi 50/50 cho các bên trừ các bên có thỏa thuận khác[2]. Tuy nhiên, câu chuyện trên thực tế sẽ không phải chỉ đơn giản như vậy. Trong khi mà miếng bánh cắt đôi còn làm cho kẻ này cười người kia khóc, thì việc chia đôi một căn nhà, thửa đất, phần vốn góp, tỷ lệ cổ phần trong doanh nghiệp sẽ không còn là việc cân đo đong đếm mà còn kéo theo sau đó là hàng loạt các vấn đề pháp lý khác cần những người trong cuộc phải đủ khôn khéo để dàn xếp làm sao cho hợp lý, hợp tình và bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan.
Đối với những tài sản được phân chia là cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trước hết, cần lưu ý rằng, những tài sản được góp vào doanh nghiệp trong thời kỳ hôn nhân chính là những tài sản chung được tạo lập hợp pháp của cả hai vợ chồng. Mặc dù những thông tin trên những giấy tờ hữu hình là các giấy chứng nhận đăng ký phần vốn góp trong công ty TNHH hay cổ phiếu trong công ty cổ phần thường chỉ ghi tên của một người sở hữu đó là vợ hoặc chồng, nhưng khi đường ai nấy đi, việc chia đôi loại tài sản này không chỉ là chuyện xé đôi một tờ giấy pháp lý về mặt vật lý. Câu chuyện lại khác hơn nữa khi đây là một loại tài sản đặc biệt, mang trong bản thân nó rất nhiều vấn đề pháp lý mà câu chuyện chia đôi tài sản chắc chắn sẽ dẫn đến tình huống đó là người đứng đầu doanh nghiệp sẽ không còn chiếm giữ vị trí ưu thế trong cơ cấu vốn để có thể nắm quyền chủ động khi đưa ra các quyết định trong việc quản lý, vận hành doanh nghiệp, và đó là hệ quả nhãn tiền làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, thành viên góp vốn, cổ đông và công ăn việc làm của nhiều người lao động trong doanh nghiệp và các đối tác, nhà cung cấp bên ngoài.
Bên cạnh đó, có trường hợp khá phổ biến đó là một bên vợ hoặc chồng, sau khi trở thành thành viên góp vốn hay cổ đông trong doanh nghiệp, lại không có chuyên môn nghiệp vụ ở lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thiếu hay thậm chí là không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp (ví dụ như các kiến thức cần thiết về tài chính, kế toán, thuế, nhân sự, tiếp thị, bán hàng…) nhưng lại có quyền quyết định liên quan đến các vấn đề đó sau khi được nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần từ chồng hoặc vợ theo bản án lý hôn của Tòa án, sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thường là các ngành nghề kinh doanh có tính chất đặc thù gắn liền với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của người hành nghề cho nên nếu một bên vợ hoặc chồng không phải là người hoạt động trong nghề đó, không được cấp chứng chỉ nghề theo quy định của pháp luật để hành nghề (đối với một số ngành nghề như luật sư, kiến trúc sư…) thì việc chia đôi phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp để trở thành thành viên góp vốn, cổ đông mới của doanh nghiệp là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và cũng không thực sự hợp lý. Thêm vào đó, cũng có một số doanh nghiệp mà các thành viên góp vốn hay cổ đông sáng lập có thỏa thuận với nhau trong thỏa thuận góp vốn hay trong điều lệ là các thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập sẽ không được quyền chuyển nhượng phần vốn góp cho những người thứ ba bên ngoài mà trước hết phải ưu tiên chào bán cho những thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập hiện hữu. Chỉ khi nào những thành viên góp vốn, cố đông sáng lập hiện hữu không mua thì mới được quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba nhưng cũng không được quyền chuyển nhượng thấp hơn mức giá đã chào bán cho những thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập hiện hữu. Không dừng lại ở đó, đối với những doanh nghiệp nào có đăng ký kinh doanh ở các ngành, nghề kinh doanh có giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thì việc chia đôi phần vốn góp, số cổ phần trong vụ án ly hôn mà có một bên vợ chồng là người nước ngoài (chẳng hạn như một trong hai vợ chồng là người nước ngoài hay trường hợp một trong hai vợ chồng là người Việt Nam nhưng lại nhập quốc tịch nước ngoài trong thời kỳ hôn nhân và đã từ bỏ quốc tịch Việt Nam theo quy định của nước nhập quốc tịch chẳng hạn), sẽ dẫn đến tình huống là bên vợ hoặc chồng đó khi trở thành thành viên góp vốn, cổ đông mới của doanh nghiệp, sẽ làm tăng tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài trong doanh nghiệp và doanh nghiệp thì không dự liệu trước tình huống trớ trêu này. Tình huống này vô hình chung lại dẫn doanh nghiệp đến một việc ngoài dự tính đó là đối mặt với nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính về đầu tư và phải đăng ký điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đúng với quy định.
Trên thực tế, quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử tại Việt Nam đều hướng tới tinh thần chung đó là làm sao có thể đảm bảo việc chia đôi tài sản của hai vơ chồng được thực hiện gắn liền với mục đích bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp hợp pháp của hai vợ chồng để hai bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo ra thu nhập[3]. Trong các bản án của Tòa án về phân chia tài sản là cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp gần đây, khi hai bên vợ chồng không thể đạt được thỏa thuận với nhau về việc tự phân chia tài sản, Tòa án sẽ xem xét và giao quyền quyết định nắm giữ số cổ phần, phần vốn góp cho một bên là vợ hoặc chồng, mà thông thường chính là người đang đứng tên trong điều lệ, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và trên thực tế cũng đang trực tiếp tham gia quản lý, điều hành hoạt động thường nhật của doanh nghiệp. Và tất nhiên để đảm bảo quyền lợi của bên vợ hoặc chồng còn lại, bên vợ hoặc chồng mà được Tòa án giao cho tài sản phải có trách nhiệm thanh toán lại khoản tiền tương đương với giá trị của số cổ phần, phần vốn góp mà bên vợ hoặc chồng kia đáng lý được hưởng theo quy định ly hôn của Tòa án.
Trên thực tế áp dụng, hai bên vợ chồng hoàn toàn có thể pháp lý hóa điều khoản này theo một trong các phương thức sau đây: (i) hai bên vợ chồng song song tiến hành việc chuyển nhượng số cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp theo nguyên tắc chia đôi 50/50 cùng với việc hai bên vợ chồng sẽ giao kết thỏa thuận mà theo đó một trong hai bên vợ chồng sẽ ủy quyền quyền biểu quyết cho bên vợ hoặc chồng kia, đó chính là bên trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp (đây cũng là trường hợp được chọn của ông chủ tập đoàn Amazon, khi vợ cũ là MacKenzie Scott đã trao lại quyền bỏ phiếu trong tập đoàn Amazon cho Jeff Bezos tại Amazon, giúp chủ tịch Amazon vẫn giữ nguyên được 16% quyền biểu quyết để vẫn có thể kiểm soát được doanh nghiệp); hoặc (ii) hai bên vợ chồng không tiến hành thủ tục pháp lý để sang tên chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp (hiện vẫn đang do một bên vợ hoặc chồng đứng tên) và bên nắm giữ tài sản đó sẽ có trách nhiệm “thối” lại bằng tiền cho bên còn lại (đây cũng là phương thức phân chia tài sản thường được các cặp vợ chồng ly hôn lựa chọn trong trường hợp một trong hai bên vợ chồng không có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và cũng không có nguyện vọng muốn tham gia vào công việc quản lý, điều hành doanh nghiệp của bên kia). Tuy nhiên, nếu một trong hai bên vợ chồng lại không có đủ tiền mặt tại thời điểm đó để thối lại cho bên kia, phương án thứ hai lại đặt ra vấn đề thách thức về dòng tiền đối với bên giành quyền nắm giữ số cổ phần, phần vốn trong doanh nghiệp đó. Để giải quyết vấn đề thanh toán này, bên vợ hoặc chồng mà được giao nắm giữ số cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có thể cân nhắc đến phương án hoán đổi tài sản, tức là sử dụng các tài sản riêng của bên đó (nếu có) có được trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân ví dụ như được cho tặng và/hoặc các tài sản từ khối tài sản chung của vợ chồng mà được chia của bên vợ hoặc chồng đó để đổi với số tiền phải trả cho bên vợ hoặc chồng còn lại. Một hướng tiếp cận khác nữa mà cũng cần hai bên vợ chồng cân nhắc đó là bên vợ hoặc chồng mà được giao nắm giữ số cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có thể dùng chính các giấy tờ có giá đó (vẫn do một bên vợ hoặc chồng đó nắm giữ và đứng tên) đi cầm cố tại các ngân hàng thương mại[4] để lấy tiền vay trả cho bên còn lại nhằm hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên vợ hoặc chồng có quyền, đồng thời bên vợ hoặc chồng nắm giữ vẫn đảm bảo tư cách tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp (tuy nhiên, sự thu xếp như thế này cần phải được sự đồng ý bằng văn bản trước của bên còn lại và theo các yêu cầu về vay tín dụng của ngân hàng thì mới có thể thực hiện được).
Dưới góc nhìn của cá nhân, việc ly hôn chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của người vợ hoặc chồng nào là người quản lý, điều hành doanh nghiệp, tổ chức. Khi tư tưởng còn nhiều vướng bận đối với vấn đề tình cảm vợ chồng, con cái, việc ly hôn…, tất nhiên sự tập trung, năng suất làm việc của người đó dành cho doanh nghiệp sẽ chắc chắn bị giảm sút cũng như sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến việc quản lý, điều hành hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Và càng có nhiều vấn đề đáng lo ngại hơn phát sinh khi việc xử lý chia đôi tài sản theo quy định của pháp luật lại buộc hai bên vợ chồng, dù có muốn hay không, phải công khai cho ít nhất là các cán bộ Tòa án, luật sư của các bên và cơ quan thi hành án, tất cả các thông tin có liên quan đến khối tài sản của hai bên để làm cơ sở cho việc phân định xem tài sản nào là là của riêng của từng người và tài sản nào là tài sản chung của hai vợ chồng đem ra chia để đảm bảo quyền lợi của các bên. Các thông tin này, sau đó, sẽ có rủi ro có thể bị rò rỉ ra bên ngoài cho giới truyền thông, mạng xã hội bằng một cách nào đó mà không thể kiểm soát được mà sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến chính không chỉ đối với hai vợ chồng mà còn đối với những người khác chẳng hạn như cổ đông, người lao động trong doanh nghiệp, đối tác, nhà cung cấp…
Câu chuyện vạch áo cho người xem lưng vốn dĩ là điều không ai mong muốn cả. Do đó, việc chia đôi tài sản của hai vợ chồng dù ít hay nhiều đều có thể dẫn đến những hệ lụy không đáng có trong quá trình vận hành doanh nghiệp không chỉ đối với những người trong cuộc, tức là hai vợ chồng, mà còn liên quan đến người lao động trong doanh nghiệp, cổ đông và thành viên góp vốn khác, đối tác, nhà cung cấp…. của doanh nghiệp, nếu như hai bên vợ chồng không chủ động đối diện trực tiếp với vấn đề ngay từ khi chưa nảy sinh mâu thuẫn và có những bước hành xử sao cho phù hợp. Ở các nước phát triển, các công ty, tập đoàn lớn thường chủ động tìm mua các sản phẩm bảo hiểm từ các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho người quan trọng (VIP) dành cho những người quản lý quan trọng nhất trong doanh nghiệp để phòng ngừa trường hợp có các sự kiện (trong đó có sự kiện ly hôn) có thể xảy ra mà có thể gián tiếp làm đảo lộn hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, gây hậu quả xấu đến giá chứng khoán, niềm tin của khách hàng, cổ đông, đối tác…
Trên thực tiễn, vì nhiều lý do cá nhân khác nhau từ cả hai phía vợ chồng, các bên thường cân nhắc chọn phương án ly thân trong một khoảng thời gian hợp lý nào đó trong thời kỳ hôn nhân như là một thủ tục tiền ly hôn do các bên tự thỏa thuận để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với quyền lợi và trách nhiệm của họ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng ly thân là sự thỏa thuận riêng của vợ chồng và không được đặt dưới sự kiểm soát của Luật Hôn nhân và gia đình và không có ý nghĩa là hai bên đã chấm dứt mối quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý.
Vấn đề nào rồi cũng phải có cách giải quyết khi tàn cuộc, tuy nhiên có thể nhận thấy rằng, đa số phương thức giải quyết ở trên đều quy về một mối đó chính là đề cao sự thỏa thuận của vợ chồng vì đây là câu chuyện tình cảm cá nhân của riêng họ. Trong khi các bên vợ chồng nhận thấy rõ các rủi ro tiềm tàng làm ảnh hưởng tiêu cực không chỉ gói gọn trong nội bộ gia đình mà còn đi xa hơn vào trong thượng tầng quản lý của các doanh nghiệp, có liên quan đến miếng cơm manh áo của nhiều người lao động, thì việc thỏa thuận về tài sản trước và trong thời kỳ hôn nhân luôn là một động thái cần thiết nên được các cặp vợ chồng có tài sản lớn cân nhắc thực hiện để giảm thiểu các rủi ro phát sinh không đáng có.
Cùng với tinh thần đó, trong giai đoạn tiền hôn nhân, quy định của Luật Hôn nhân và gia đình đã mở ra cánh cửa công nhận chế định thỏa thuận tiền hôn nhân (prenuptial agreement) về tài sản thông qua việc quy định thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được xác lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản thỏa thuận có công chứng hoặc chứng thực. Theo đó, tùy vào điều khoản thỏa thuận mà hai bên vợ chồng sẽ giới hạn lại phần tài sản sẽ được tính là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và như vậy họ sẽ bảo toàn được khối tài sản riêng của từng bên trong trường hợp xảy ra ly hôn.
Còn trong giai đoạn hôn nhân, các bên vợ chồng, vào bất kỳ thời điểm nào, cũng đều có quyền thỏa thuận chia khối tài sản chung của họ trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Theo đó, cả hai vợ chồng đều có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung bằng văn bản được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng, hoặc trong trường hợp thỏa thuận đối với các loại tài sản phải thực hiện đăng ký quyền sở hữu, hay các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ ứng dụng thực tế đồng hành với tư tưởng bản sắc văn hóa lâu đời của Việt Nam, việc so đo, toan tính trong mối quan hệ tình cảm vợ chồng là một chủ đề khá kiêng kỵ bất khả dĩ và chuyện sứt mẻ tình cảm là điều thật sự khó tránh khỏi. Nếu quy định di chúc chung của vợ chồng theo Bộ luật dân sự 2005 là một minh chứng thể hiện tình cảm keo sơn, gắn bó giữa hai bên vợ chồng trong hôn nhân, thì việc các bên đặt bút ký vào thỏa thuận chia tài sản lại được nhìn nhận như một kết cục sẵn có và tiền định cho một mối quan hệ. Tuy nhiên, trên cương vị là một người quản lý, điều hành doanh nghiệp, phải chăng đã đến lúc những người trong cuộc phải bỏ qua định kiến và khẳng khái đối diện với rủi ro mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi sự kiện ly hôn của những người ở cấp quản lý điều hành của doanh nghiệp xảy ra?
[1] Điều 59.1 Luật Hôn nhân gia đình
[2] Điều 59.2 Luật Hôn nhân gia đình
[3] Điều 7.4(c) – Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP
[4] Điều 1.1. và Điều 1.8 – Nghị định 11/2012/ND-CP