Công Ty Luật Phước và Các Cộng Sự

Những vấn đề pháp lý doanh nghiệp tư nhân hay gặp phải

nhung-van-de-phap-ly-doanh-nghiep-tu-nhan-hay-gap-phai

“Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào; mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân” (Điều 141 Luật doanh nghiệp 2005).

Theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân được xếp vào nhóm các doanh nghiệp “một chủ sở hữu”. Những đặc điểm pháp lý doanh nghiệp này thể hiện rõ nét qua những khía cạnh sau:

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ

Về quan hệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp

Nguồn vốn ban đầu của doanh nghiệp tư nhân xuất phát chủ yếu từ tài sản của một cá nhân. Phần vốn này sẽ do chủ doanh nghiệp tự khai báo với cơ quan đăng kí kinh doanh và được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán của doanh nghiệp.

Như vậy, cá nhân chủ doanh nghiệp sẽ đưa vào kinh doanh một số vốn nhất định trong khối tài sản thuộc sở hữu của cá nhân và về nguyên tắc, tài sản đó là tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Nhưng trong quá trình kinh doanh, chủ doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư, chỉ phải khai báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi giảm vốn xuống dưới mức đã đăng ký.

Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lý

Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ đầu tư duy nhất, vì vậy, cá nhân có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân. Một trong những ưu điểm của mô hình doanh nghiệp tư nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân không phải chia sẻ quyền quản lý với bất kỳ đối tượng nào.

Về quản lý doanh nghiệp: Chủ doanh nghiệp có quyền định đoạt đối với tài sản doanh nghiệp cũng như có toàn quyền quyết định việc tổ chức quản lý doanh nghiệp để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhất.

Chủ doanh nghiệp có thể tự mình quản lý hoặc thuê người khác quản lý doanh nghiệp. Trong trường hợp này chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm trước mọi hoạt động của doanh nghiệp. Giới hạn chịu trách nhiệm giữa chủ doanh nghiệp và người được thuê thông qua một hợp đồng.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp còn có quyền cho thuê doanh nghiệp, bán doanh nghiệp nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật.

Về phân phối lợi nhuận

Vấn đề phân chia lợi nhuận không đặt ra đối với doanh nghiệp tư nhân, bởi lẽ doanh nghiệp này chỉ có một chủ sở hữu và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh đều thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước và các bên thứ ba.

Đây cũng là một ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân. Người được thuê điều hành cũng không có quyền đòi hỏi một số % nhất định trong số lợi nhuận thu được nếu hợp đồng giữa chủ doanh nghiệp và người được thuê điều hành không đề cập tới. Tuy nhiên, việc một cá nhân có quyền hưởng mọi lợi nhuận thì cũng đồng nghĩa với việc cá nhân đó phải chịu mọi rủi ro trong kinh doanh mà không thể yêu cầu người khác gánh đỡ. Đây là điểm hạn chế lớn nên không ít nhà đầu tư không muốn lựa chọn loại hình này.

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân

Doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân. Doanh nghiệp tư nhân không có sự độc lập về tài sản. Tiêu chuẩn đầu tiên để xét tính độc lập về tài sản của một doanh nghiệp là tài sản đó phải độc lập trong quan hệ với tài sản của chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không thỏa mãn điều kiện này. Việc không phải là pháp nhân làm doanh nghiệp tư nhân cũng gặp không ít khó khăn nhất định và bị hạn chế ít nhiều trong hoạt động thương mại dưới sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành.

Chủ doanh nghiệp đầu tư chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân

Đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, do tính độc lập về tài sản của doanh nghiệp không có nên chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro của doanh nghiệp với chế độ chịu trách nhiệm vô hạn. Chủ doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi phần vốn đầu tư đã đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình trong việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp.

Chính vì đặc trưng pháp lý cơ bản này mà bên cạnh những hạn chế do không có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân còn phải chịu một số hạn chế khác như: không được phát hành bất kì một loại chứng khoán nào và chủ doanh nghiệp chỉ được thành lập duy nhất một doanh nghiệp tư nhân và cho đến khi nào doanh nghiệp tư nhân đó còn tồn tại thì chủ doanh nghiệp tư nhân không được thành lập thêm một doanh nghiệp tư nhân khác.

Do doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp “một chủ sở hữu” nên có những ưu điểm nhất định như: Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác và giúp cho doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro cao, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp chứ không giới hạn số vốn mà chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm: Tuân thủ pháp luật và những rủi ro doanh nghiệp tường mắc phải dưới góc nhìn luật sư

Tuân thủ pháp luật và những rủi ro doanh nghiệp thường mắc phải dưới góc nhìn luật sư

Nếu có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn pháp lý doanh nghiệp, vui lòng liên hệ chúng tôi: P & Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

P& Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Tư vấn Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật Tư vấn pháp lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý Khách hàng.

 

Exit mobile version