THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ
Nhìn chung, thủ tục giải quyết vụ án dân sự bắt đầu với việc nộp đơn khởi kiện, đơn khởi kiện được thụ lý, có quyết định đưa vụ án ra xét xử, và Tòa tuyên án. Trường hợp bản án sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án sẽ được xét xử phúc thẩm. Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm[1]. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập thủ tục giải quyết vụ án dân sự ở cấp sơ thẩm. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tại cấp sơ thẩm, vụ án sẽ được giải quyết thông qua trình tự thủ tục như sau:
-
Tòa án thụ lý vụ án
Người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án, gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Trường hợp nộp trực tiếp, người khởi kiện sẽ được cấp Giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện. Trường hợp nộp qua đường bưu chính, Tòa án gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện theo địa chỉ gửi đơn. Trường hợp đơn khởi kiện được gửi trực tuyến, người khởi kiện nhận thông báo nhận đơn khởi kiện được Tòa án gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây::
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
-
Hòa giải và chuẩn bị xét xử
Thời hạn chuẩn bị xét xử trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tháng tùy loại vụ án và tùy theo tính chất, mức độ phức tạp của vụ án mà thời hạn này sẽ được gia hạn từ 1 đến 2 tháng[2].
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự[3].
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây[4]:
- Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp hòa giải thành;
- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
- Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
- Đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng[5].
-
Mở phiên tòa xét xử
Tại phiên tòa sơ thẩm trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, Hội đồng xét xử xét xử điều hành phiên tòa theo diễn biến như sau:
- Chuẩn bị khai mạc phiên tòa[6];
- Thủ tục bắt đầu phiên tòa[7];
- Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa[8];
- Nghị án và tuyên án[9].
Trên đây là nội dung khái quát về thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ về thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty tư vấn chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty tư vấn chuyên về pháp luật kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Sở Hữu Trí Tuệ, Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những công ty luật cung cấp dịch vụ pháp lý tối ưu và hiệu quả đến Quý Khách hàng.
[1] Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[2] Điều 203.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[3] Điều 205.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[4] Điều 203.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[5] Điều 203.4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[6] Điều 237 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[7] Điều 239 – 246 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[8] Điều 247 – 263 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
[9] Điều 264 – 267 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.