Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

XÁC ĐỊNH VÀ CÁC MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TINH THẦN

boithuongthiethaivetinhthan

XÁC ĐỊNH VÀ CÁC MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TINH THẦN

Để xác định và các mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, trước hết, cần biết khái niệm thiệt hại về tinh thần. Theo khoản 3 Điều 361 Bộ luật dân sự 2015, thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. Khái niệm này được quy định cụ thể tại các Điều 590, 591 và 592 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm thiệt hại về tinh thần trong trường hợp (i) do sức khỏe bị xâm phạm; (ii) do tính mạng bị xâm phạm; hoặc (iii) do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Để đi vào nội hàm cụ thể của việc xác định và các mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, cần xét các khía cạnh sau đây trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

Đối tượng được bồi thường bù đắp thiệt hại về tinh thần

Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần khi tính mạng bị xâm phạm được bồi thường cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại, hay người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.

Mức độ thiệt hại về tinh thần

Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân… của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm cần căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại…Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…

Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần

Theo quy định Bộ luật Dân sự 2015, về nguyên tắc chung, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở, mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở, mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Mức lương cơ sở do Nhà nước quy định được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường. Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng.

Trên đây là nội dung khái quát về xác định và các mức bồi thường thiệt hại về tinh thần. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc tìm kiếm một Công ty Luật Tư vấn và hỗ trợ xác định và các mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, vui lòng liên hệ chúng tôi: Phước và Các Cộng Sự là một công ty luật chuyên nghiệp được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 thành viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước và Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty luật chuyên về pháp luật dân sự hàng đầu tại Việt Nam mà có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làmThuếMua bán và Sáp nhậpTranh tụng. Chúng tôi tự tin là một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất đến Quý khách hàng.