Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CHẤP TẠI TÒA

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CHẤP TẠI TÒA

 

Hợp đồng tín dụng và các nội dung chính của hợp đồng tín dụng

Hợp đồng tín dụng

Hợp đồng tín dụng là thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng là cá nhân hoặc tổ chức, theo đó tổ chức tín dụng giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi[1]. Về bản chất, hợp đồng tín dụng là hợp đồng vay tài sản được quy định tại Mục 4 Chương XVI của Bộ luật Dân sự 2015.

  • Các nội dung chính của hợp đồng tín dụng

Hợp đồng tín dụng phải được lập thành văn bản, trong đó có các nội dung cơ bản sau đây:

  • Các thông tin liên quan đến chủ thể của hợp đồng;
  • Mục đích sử dụng vốn vay;
  • Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp theo quy định;
  • Biện pháp bảo đảm tiền vay (nếu có);
  • Thời hạn, phương thức cho vay;
  • Lãi suất cho vay theo thỏa thuận; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng;
  • Quyền và nghĩa cụ của các bên;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
  • Luật áp dụng, phương thức giải quyết tranh chấp; và
  • Và các nội dung khác được quy định tại Điều 23.1 và 23.2 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
  1. Tranh chấp hợp đồng tín dụng

Tranh chấp hợp đồng tín dụng là những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng tín dụng, cụ thể là giữa tổ chức tín dụng và bên vay liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng. Có nhiều dạng tranh chấp hợp đồng tín dụng như tranh chấp về hành vi vi phạm nghĩa vụ của một bên hoặc các bên trong hợp đồng; tranh chấp về việc thực hiện biện pháp bảo đảm đối với hợp đồng tín dụng có bảo đảm tài sản; tranh chấp về chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng; tranh chấp về định giá, xử lý tài sản bảo đảm đối với những hợp đồng tín dụng, v.v. Trong đó, tranh chấp hợp đồng tín dụng phổ biến nhất là các tranh chấp liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả vốn, lãi của bên vay cho tổ chức tín dụng, về mức lãi suất vay và về vấn đề bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng.

  1. Những lưu ý khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa

Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại Điều 12.1 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, hợp đồng tín dụng có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn.

Thứ hai, theo Điều 12.2 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, hợp đồng tín dụng vừa có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn hoặc hình thức khác áp dụng đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án căn cứ quy định tương ứng của Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất để xem xét, quyết định xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn.

Thứ ba, khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất[2].

Thứ tư, tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi chậm trả và lãi suất trong hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01/01/2017 được xác định theo quy định tại Điều 8.2.(b) Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP.

Trên đây là bài viết tổng quan về tranh chấp hợp đồng tín dụng và những lưu ý khi tranh chấp tại Tòa của Phước & Các Cộng Sự. Nếu đang khó khăn trong việc tìm kiếm luật sư tư vấn trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng hoặc tìm kiếm tư vấn pháp lý có liên quan đến hợp đồng tín dụng, vui lòng liên hệ với chúng tôi. Phước & Các Cộng Sự là một công ty Luật chuyên tư vấn pháp luật được thành lập tại Việt Nam và hiện có gần 100 nhân viên đang làm việc tại ba văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Phước & Các Cộng Sự cũng được đánh giá là một trong những công ty tư vấn, tranh tụng chuyên về lĩnh vực hôn nhân gia đình hàng đầu tại Việt Nam ngoài ra còn có các lĩnh vực hành nghề đứng đầu trên thị trường pháp lý như Lao động và Việc làm, Thuế, Mua bán và Sáp nhập, Tranh tụng. Chúng tôi tự tin mang đến dịch vụ tốt nhất đến khách hàng đối với các lĩnh vực nêu trên.

[1] Điều 2.1 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN

[2] Điều 7.2 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP