Công Ty Luật Phước & Các Cộng Sự

Chọn Ngôn Ngữ:
+84 (28) 3622 3522

Single Blog Title

Áp Dụng Chỉ Thị 16 tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Vướng Mắc Xoay Quanh “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”

(Nguyễn Thị Thu Thủy và Nguyễn Tuấn Anh – Phuoc & Partners)

Trước tình hình các ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng và lan rộng khắp Thành phố Hồ Chí Minh (“Tp. HCM”), ngày 08/7/2021, Uỷ ban nhân dân (“UBND”) Tp. HCM đã có Công văn số 2279/UBND-VX (“Công văn 2279”) về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (“Chỉ thị 16”) ngày 31/03/2020 của Thủ tướng. Ngày 01/08/2021, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Công văn 2556/UBND-VX về việc tiếp tục giãn cách xã hội toàn Thành phố thêm 14 ngày kể từ 00 giờ ngày 02/08/2021. Việc ban hành các văn bản nêu trên bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc kiểm soát và hạn chế lây lan dịch bệnh tại Tp. HCM. Mặc dù vậy, các văn bản trên còn chưa rõ ràng về khái niệm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, gây ra nhiều vướng mắc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Bất cập khi áp dụng trong thực tiễn

Thông qua Công văn 2279, UBND Tp. HCM yêu cầu mọi người dân ở nhà và chỉ ra ngoài trong những trường hợp thật sự cần thiết như:

(i)           Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

(ii)          Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; và

(iii)         Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở hoạt động kinh doanh thiết yếu bao gồm: “sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ…được tiếp tục hoạt động”.

 Nội dung của Công văn 2279 liệt kê những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà người dân được phép ra ngoài mua, sử dụng và các cơ sở hoạt động thiết yếu được hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, cách quy định này lại khá cứng nhắc, thiếu thống nhất, dễ gây hiểu nhầm và dẫn đến bất cập khi áp dụng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Chỉ thị 16 và Công văn 2279 không định nghĩa hay xác định tiêu chí thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Mục 1 Công văn 2279 chỉ quy định: “lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác”. Vậy “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác” được hiểu như thế nào? Theo từ điển tiếng Việt, “thiết yếu” là tính từ, mang nghĩa rất quan trọng và cần thiết, không thể thiếu được. Từ “thiết yếu” mang nội hàm vô cùng lớn, bao trùm mọi mặt và lĩnh vực của cuộc sống. Hơn nữa, có thể thấy tại mục 4 Công văn 2279, sự tồn tại của dấu ba chấm ở cuối câu chứng tỏ người viết đang có hàm ý để mở về các trường hợp khác mà có thể được xem là thiết yếu. Vì vậy, trừ các lĩnh vực kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ được liệt kê, các lĩnh vực kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ khác cũng có thể được hiểu là thiết yếu. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 và Công văn 2279 tại Tp. HCM, nhiều người tự hỏi liệu một số trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh tại các văn bản này đã phù hợp chưa, lý do vì sao lại quy định như vậy.

Thứ hai, trong khi hàng hóa, dịch vụ hay cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu như phân tích ở trên chưa rõ ràng, Chỉ thị 16 và Công văn 2279 lại không xác định chủ thể có quyền giải thích hay quy định bổ sung về hàng hóa, dịch vụ, hoạt động kinh doanh thiết yếu. Điều này làm chậm trễ và thiếu nhất quán trong việc áp dụng, bởi vì ai cũng có cách diễn giải riêng theo hướng chủ quan. Hơn nữa, việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hay người thực thi những quy định về phòng chống dịch có thể diễn giải theo hướng chủ quan dựa trên sự hiểu biết, vốn sống, lợi ích riêng thì sẽ không có cơ sở xác đáng để áp dụng.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp tại huyện Củ Chi sản xuất dây khóa kéo dùng cho quần áo bảo hộ y tế đã bị cán bộ xã lập biên bản yêu cầu dừng sản xuất vì cho rằng “không phải hàng thiết yếu”[1]. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người dân ở Tp. HCM ra khỏi nhà để mua hàng hóa hoặc chuyên chở hàng hóa mà họ tin rằng là hàng hóa thiết yếu, trong khi cơ quan chức năng lại cho rằng không phải.

Tại một số địa phương khác, cơ quan chức năng cũng đối mặt với bất cập khi áp dụng Chỉ thị 16. Ngày 13/07/2021, hai thanh niên đưa mèo đi khám bệnh bị tổ công tác xử phạt do vi phạm các quy định về giãn cách tại Tân An. Theo ý kiến phản hồi của Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Long An: “Dịch vụ thú y là bình thường chứ đâu phải thiết yếu. Dịch vụ này không nằm trong danh mục thiết yếu”. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Chỉ thị 16 chỉ nói là cấp cứu, chữa bệnh mà không đề cập gì đến đối tượng được cấp cứu, chữa bệnh gồm những đối tượng nào, có gồm vật nuôi hay không.

Ngoài ra, ngày 19/07/2021, tổ kiểm tra liên ngành tại Nha Trang đã xử phạt một thanh niên đi mua bánh mì vì cho rằng bánh mì là món ăn đơn thuần chứ không phải lương thực, thực phẩm thiết yếu. Sau sự việc trên, chiều ngày 19/07/2021, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa đã ban hành công văn hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội. Đây có thể là minh chứng cho việc khái niệm về hàng hóa thiết yếu vẫn chưa được hiểu đồng bộ và chính xác bởi chính những người thực thi việc áp dụng các quy định này. Chỉ đến khi có bất cập xảy ra, các cơ quan Nhà nước mới vội vàng ban hành Công văn giải thích.

Thứ ba, các văn bản hướng dẫn Chỉ thị 16 về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn nhiều thiếu sót.

Ngày 21/07/2021 và 22/07/2021 Bộ Công Thương lần lượt ban hành Công văn số 4349/BCT-TTTN và Công văn 4481/BCT-TTTN giải thích về khái niệm “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”. Trong đó, theo Công văn số 4349/BCT-TTTN, Bộ Công Thương đã dẫn lại định nghĩa về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại Luật Giá năm 2012: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.” Tuy nhiên, định nghĩa này vẫn còn rất chung, không giải thích rõ thế nào là “không thể thiếu” hay “nhu cầu cơ bản của con người”. Bên cạnh đó, việc Bộ Công Thương sử dụng định nghĩa nhằm mục đích điều chỉnh hoạt động quản lý điều tiết giá của Nhà nước áp dụng để giải thích cho một văn bản về phòng chống dịch bệnh là chưa thật sự hợp lý khi hai lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau. Theo Công văn 4481/BCT-TTTN, Bộ Công Thương một lần nữa làm rõ và thống nhất khái niệm về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, đây là văn bản hướng dẫn cụ thể nhất về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Mặc dù việc ban hành văn bản trên đã giúp khái niệm về các hàng hóa thiết yếu được cụ thể hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Cụ thể:

  • Một số loại hàng hóa cơ bản phục vụ đời sống như thiết bị điện (tủ lạnh, nồi cơm, quạt điện, v.v.) hoặc phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày (băng vệ sinh, tã bỉm, v.v.) lại không được đề cập trong văn bản nêu trên. Hơn nữa, các hàng hóa quan trọng được xem là có liên quan trực tiếp đến phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, găng tay y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, dung dịch sát khuẩn, v.v. lại hoàn toàn không được đề cập trong Công văn 4481; và
  • Mặt khác, Công văn 4481/BCT-TTTN, mặc dù có tiêu đề là “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” nhưng không hề đề cập gì đến các dịch vụ thiết yếu. Đây là một bất cập lớn trong việc ban hành văn bản của Bộ Công Thương vì bất kể là hàng hóa hay dịch vụ thì đều ảnh hưởng quan trọng đến đời sống hằng ngày của người dân.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành khác, tùy theo lĩnh vực quản lý, đã ban hành các văn bản khác có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, các văn bản hiện chưa đồng bộ. Ngày 18/07/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (“Tổng cục ĐBVN”) có Văn bản số 4977/TCĐBVN-VT về xây dựng “Luồng xanh” vận tải ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông suốt 24/24 giờ tại các địa phương thực hiện áp dụng Chỉ thị 16. Mặc dù vậy, văn bản này không hướng dẫn là việc xác định hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội hay thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế cần dựa trên quy định của Bộ Công thương hay của Bộ Y tế. Sự thiếu sót này có thể dẫn đến việc các cơ quan của ngành Giao thông vận tải sẽ áp dụng thiếu nhất quán với quy định của Bộ Công thương và các Bộ, ngành khác, từ đó giảm hiệu quả trong việc quản lý.

 

Cuối cùng, Tp. HCM hiện vẫn chưa có đơn vị hoặc đường dây nóng nào để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi có vướng mắc trong việc áp dụng Chỉ thị 16. Thực tế, người dân và doanh nghiệp thường chọn cách liên hệ với UBND Tp. HCM hoặc cấp quận, phường khi có nhu cầu giải đáp thắc mắc vì UBND Tp. HCM là cơ quan ban hành và hướng dẫn thực hiện Công văn 2279. Tuy nhiên, số điện thoại của các phòng ban thực thuộc UBND hầu như bị bận do quá tải hoặc không có người trực máy.

Khắc phục những bất cập còn tồn đọng, liệu có khả thi?

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tuy đã chuyển biến tích cực hơn nhưng chưa đảm bảo việc bùng phát dịch bệnh sẽ không diễn ra trong tương lai. Vì vậy, các Bộ ngành có thể sẽ tiếp tục ban hành các văn bản khác nhằm hướng dẫn, khắc phục bất cập trong áp dụng giãn cách xã hội để phù hợp với tình hình thực tế. Bất cứ phương án nào trong các văn bản sau này cũng nên lưu ý một số điểm quan trọng như sau:

  • Các văn bản hướng dẫn phải thể hiện các quy định một cách cụ thể, rõ ràng, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương tại từng thời điểm;
  • Nếu vẫn tiếp tục ban hành những văn bản hướng dẫn danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo dạng liệt kê thì sẽ tiếp tục có bất cập trong quá trình áp dụng. Thay vào đó, đề xuất mới đây của Bộ Công Thương về việc ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” để các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, người dân tham chiếu sẽ phù hợp hơn;
  • Cần một cơ chế thống nhất để phối hợp giữa các Bộ, ngành và cơ quan trong việc xác định và áp dụng hàng hóa, dịch vụ, lĩnh vực kinh doanh thiết yếu. Ví dụ, quy định về việc Bộ Công Thương có vai trò xác định hàng hóa dịch vụ thiết yếu và các Bộ ngành khác cần dựa vào đó để quản lý. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định cho phép các địa phương (như UBND cấp tỉnh), tùy tình hình mà bổ sung thêm danh mục hàng hóa, dịch vụ, lĩnh vực kinh doanh thiết yếu, để phù hợp với tình hình phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương;
  • Không chỉ người ban hành văn bản, người thực thi văn bản cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai các quy định vào đời sống. Cụ thể, lực lượng chức năng cần linh động khi áp dụng quy định pháp luật vào các tình huống thực tế, đặc biệt là khi xử lý các trường hợp chưa được quy định rõ. Nếu người dân chưa hiểu hết các yêu cầu về giãn cách xã hội và có cách ứng xử hoặc hành động chưa phù hợp, lực lượng chức năng cần giải thích rõ ràng để người dân tuân thủ, tránh gây bức xúc và phản ứng tiêu cực từ phía người dân; và
  • Cơ quan nhà nước cần thiết lập một đơn vị hoặc đường dây nóng 24/24 để có thể sẵn sàng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi có vướng mắc về các quy định của Chỉ thị 16.

Tóm lại, việc áp dụng Chỉ thị 16 và ban hành các văn bản hướng dẫn đã góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh, mang lại tín hiệu khả quan cho việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Tp. Hồ Chí Minh. Song, cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 là “chưa có tiền lệ” cho nêncác cơ quan Nhà nước không tránh khỏi lúng túng khi xây dựng và ban hành các văn bản áp dụng, hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện. Vì vậy, việc xem xét những vướng mắc để đưa ra biện pháp tháo gỡ kịp thời là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch bệnh, mà còn giúp ổn định xã hội, tạo tâm lý yên tâm cho người dân và doanh nghiệp để cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn.

[1]https://tuoitre.vn/san-xuat-phu-tung-do-bao-ho-y-te-bi-dong-cua-vi-khong-phai-hang-thiet-yeu-20210730173430531.htm